Hàn Quốc đang 'lạnh nhạt' với Nhật Bản

Bằng cách chỉ trích thỏa thuận mà Hàn Quốc và Nhật Bản đạt được trong năm 2015 về vấn đề phụ nữ mua vui, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã 'khuấy lên' tranh cãi kéo dài nhiều thập kỷ với Nhật Bản, một động thái có nguy cơ cản trở những nỗ lực quốc tế nhằm kiềm chế Triều Tiên.

Bằng cách chỉ trích thỏa thuận mà Hàn Quốc và Nhật Bản đạt được trong năm 2015 về vấn đề phụ nữ mua vui, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã “khuấy lên” tranh cãi kéo dài nhiều thập kỷ với Nhật Bản, một động thái có nguy cơ cản trở những nỗ lực quốc tế nhằm kiềm chế Triều Tiên.

Bức tượng “phụ nữ mua vui” được dựng lên bên ngoài lãnh sự quán Nhật Bản ở Busan (Hàn Quốc). Ảnh: BBC

Bức tượng “phụ nữ mua vui” được dựng lên bên ngoài lãnh sự quán Nhật Bản ở Busan (Hàn Quốc). Ảnh: BBC

Trong nhiều năm, Seoul và Tokyo đã bất đồng ý kiến về vấn đề nô lệ tình dục trong chiến tranh - hàng ngàn phụ nữ Hàn Quốc bị buộc phải làm việc trong các nhà thổ quân sự của Nhật Bản trong Thế chiến II. Hai nước đã đạt được thỏa thuận vào năm 2015, trong đó Tokyo đã chi 8,8 triệu USD cho một quỹ dành cho các nạn nhân. Tuy nhiên, vừa qua Tổng thống Moon Jae-In đã chỉ trích thỏa thuận đó và nói rằng “không thể giải quyết vấn đề nô lệ tình dục trong chiến tranh”.

Bình luận của ông Moon Jae-In được đưa ra sau khi một ủy ban của Hàn Quốc kết luận rằng Hiệp định ký năm 2015 không đáp ứng được nhu cầu bồi thường cho các nạn nhân. Đáp lại kết luận của ủy ban này, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono cảnh báo rằng bất kỳ nỗ lực nào nhằm sửa đổi thỏa thuận “sẽ làm cho mối quan hệ của Nhật với Hàn Quốc xấu đi”.

Ảnh hưởng đến vấn đề Triều Tiên

Seoul và Tokyo đều là những đồng minh quan trọng của Washington và đóng những vai trò then chốt trong việc ngăn chặn chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Nếu Tổng thống Moon Jae-in để cho vấn đề phụ nữ mua vui chi phối quan hệ của ông với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thì điều này có thể làm phương hại tới những nỗ lực quốc tế nhằm kiềm chế vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.

Ông Stephen Nagy, Phó giáo sư cấp cao thuộc trường Đại học Quốc tế Christian tại Tokyo kiêm chuyên gia tại Quỹ Châu Á - Thái Bình Dương của Canada, nêu rõ: “Chúng ta sẽ chứng kiến rạn nứt trong sự hợp tác giữa Mỹ-Hàn-Nhật về việc đối phó với Triều Tiên”. “Gây áp lực với Tokyo về vấn đề nô lệ tình dục trong chiến tranh trong khi lại cố gắng hòa giải với Bình Nhưỡng có nguy cơ làm Tokyo xa lánh Seoul”, ông Nagy cảnh báo.

Đẩy Seoul đến gần Bắc Kinh hơn

Sự căng thẳng giữa Tổng thống Moon Jae-In và Thủ tướng Abe cũng có thể tăng cường quan hệ của Seoul với Bắc Kinh, vốn đang đứng trên bờ vực bất ổn giữa những căng thẳng xoay quanh quyết định triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ tại Hàn Quốc. “Trung Quốc có những vấn đề riêng với Nhật Bản về những việc làm của đất nước này trong chiến tranh. Do đó khi đối kháng với Tokyo, Seoul sẽ làm hài lòng Bắc Kinh”, ông Leonid Petrov, chuyên gia về Hàn Quốc tại Đại học Quốc gia Australia cho hay.

Theo ông Petrov, điều này chắc chắn sẽ làm suy yếu vị thế an ninh khu vực của Mỹ, vốn thường dựa vào sự đoàn kết của Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan chống lại Trung Quốc. “Hành động của ông Moon Jae-In sẽ tạo ra những vấn đề nghiêm trọng cho việc bảo đảm an ninh của Mỹ ở khu vực Đông Bắc Á”, ông Petrov cho biết.

Tuy nhiên, chuyên gia này không mong đợi Bắc Kinh sẽ ủng hộ căng thẳng giữa Tổng thống Moon Jae - in và Thủ tướng Shinzo Abe. “Trung Quốc sẽ cảnh giác với những nỗ lực của Hàn Quốc để xa lánh Nhật Bản vì điều đó có thể đẩy Tokyo đến gần Nhà Trắng hơn”, ông Petrov nói và nhấn mạnh, đó sẽ là một viễn cảnh không mong muốn đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người không muốn ảnh hưởng của Mỹ tăng lên ở Châu Á.

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/122_238508_han-quoc-dang-lanh-nhat-voi-nhat-ban.aspx