Hàn Quốc 'đau đầu' vì nguy cơ mất an toàn từ các lái xe cao tuổi

Nhiều năm qua, số vụ TNGT chết người liên quan tới người cao tuổi ở Hàn Quốc có chiều hướng gia tăng mạnh.

Nếu không thay đổi, đây có thể trở thành vấn nạn khi “xứ sở kim chi” đang trên đà trở thành xã hội dân số siêu già tính đến năm 2025.

Gia tăng tai nạn liên quan người cao tuổi

Vài tháng gần đây, Hàn Quốc không ít lần rúng động vì một số vụ tai nạn nghiêm trọng do người cao tuổi ngồi sau tay lái.

Gần nhất là vụ việc một cụ ông khoảng 80 tuổi điều khiển phương tiện vượt quá tốc độ, đâm vào hai bà cháu đang đi bộ trên vỉa hè tại thành phố cảng Busan khiến cả 2 người này thiệt mạng.

Trước đó, cũng xảy ra một vụ tai nạn liên hoàn liên quan tới 5 phương tiện, bắt nguồn từ ô tô do một cụ ông 73 tuổi điều khiển, khiến nhiều người bị thương.

Một biểu ngữ tại trung tâm cộng đồng ở Hàn Quốc với nội dung khuyến khích người cao tuổi nộp lại bằng lái. Ảnh: Yonhap

Một biểu ngữ tại trung tâm cộng đồng ở Hàn Quốc với nội dung khuyến khích người cao tuổi nộp lại bằng lái. Ảnh: Yonhap

Hai lái xe trong các vụ việc trên khẳng định ô tô của họ bỗng nhiên tăng tốc, vượt ngoài tầm kiểm soát.

Sự việc đã gióng lên hồi chuông cảnh báo, khiến giới chức sở tại phải nghĩ lại về vấn đề ATGT liên quan tới người cao tuổi.

Ông Cho Joon-hwan, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu ATGT Samsung nhận định: “Tỷ lệ tăng số vụ tai nạn ô tô liên quan tới những người trên 65 tuổi cao hơn so với tỷ lệ tăng trưởng dân số ở độ tuổi này”.

Qua đó, ông Cho cho rằng: “Để đối phó với tình trạng dân số có xu hướng siêu già, cần phải có những biện pháp đặc biệt đối với những người cao tuổi thuộc nhóm nguy cơ cao”.

Đổi mới chính sách

Nguy cơ TNGT khi người cao tuổi ngồi sau tay lái. Ảnh minh họa: Yonhap

Nguy cơ TNGT khi người cao tuổi ngồi sau tay lái. Ảnh minh họa: Yonhap

Để sớm ngăn chặn số vụ TNGT tăng cao liên quan đến người cao tuổi, Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc đã và đang thúc đẩy việc cấp phép có điều kiện với người cao tuổi và có thể bắt đầu áp dụng từ năm 2025.

Giấy phép có điều kiện sẽ đặt ra một số giới hạn cụ thể như lái xe sẽ bị hạn chế điều khiển phương tiện ban đêm hoặc trên đường cao tốc hoặc chỉ được cấp phép tùy vào sức khỏe của người lái xe.

Một xã hội dân số siêu già đồng nghĩa tỷ lệ người ở tuổi 65 trở lên chiếm 20% tổng dân số quốc gia. Trong khi tính đến năm 2021, tỷ lệ này ở Hàn Quốc là 16,5%. Ngoài ra, theo Viện Nghiên cứu ATGT Samsung, số lượng lái xe từ 65 tuổi trở lên có bằng lái dự kiến sẽ tăng đến 9,88 triệu người trong năm 2030, so với 3,33 triệu người trong năm 2019.

Hiện việc cấp phép bằng lái xe có điều kiện tại Hàn Quốc chỉ áp dụng với người khuyết tật.

Bên cạnh đó, bắt đầu từ tháng 3, cảnh sát Hàn Quốc bắt tay vào nghiên cứu đánh giá khả năng lái xe của tài xế cao tuổi, sử dụng công nghệ thực tế ảo. Nước này đã dành riêng khoản ngân sách 3,6 tỷ won (khoảng 3,1 triệu USD) trong vòng 3 năm tới để xây dựng các bài đánh giá dựa trên công nghệ thực tế ảo.

Bên cạnh đó, theo Giáo sư cơ khí tại Đại học Daelim - ông Kim Pil-soo, gần đây, Chính phủ Hàn Quốc cũng rút ngắn thời gian phải cấp đổi giấy phép lái xe với người cao tuổi.

Theo đó, người từ 65 tuổi trở lên được cho là lái xe cao tuổi. Đối với người từ 75 tuổi trở lên, chính phủ Hàn Quốc cắt ngắn thời gian phải cấp đổi giấy phép từ 5 năm xuống 3 năm.

Mặt khác, đối với lái xe từ 65 tuổi trở lên, hiện chính phủ cũng vận động họ tình nguyện từ bỏ bằng lái xe. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 2% lái xe cao tuổi, tương đương 76.000 người tự nộp lại bằng lái trong năm 2020.

Để khuyến khích người cao tuổi không lái xe, nhiều chính quyền thành phố như: Seoul, Daegu và Incheon, đã thực hiện chương trình khuyến khích, cung cấp 100.000 won (khoảng 83 USD)/tháng để hỗ trợ việc đi lại cho người cao tuổi tình nguyện bỏ bằng lái ô tô.

Cảnh sát cũng trích một phần ngân sách cho chính quyền địa phương để đóng góp vào các khoản trợ cấp giao thông công cộng cho người cao tuổi nộp lại bằng lái.

Dù có rất nhiều chính sách ưu đãi nhưng việc thuyết phục lái xe cao tuổi từ bỏ bằng lái vẫn khá khó khăn, do việc này có thể ảnh hưởng tới cuộc sống thường nhật hoặc tác động tới tâm lý của một số người.

Ông Kim Hyung-il, 76 tuổi, sống tại Seoul chia sẻ: “Tôi sẽ cảm thấy rất buồn nếu như phải từ bỏ bằng lái. Vì đó sẽ là lần cuối cùng tôi được lái xe trong đời”.

Ứng dụng công nghệ để hạn chế tai nạn

Bên cạnh việc xây dựng chính sách, Hàn Quốc cũng kỳ vọng sẽ áp dụng công nghệ lái xe để hạn chế tai nạn liên quan tới người cao tuổi.

Ngành công nghiệp ô tô cũng đang tăng tốc để ứng dụng các công nghệ chăm sóc sức khỏe và an toàn trên xe hơi.

Những ngày gần đây, hầu hết ô tô mới tại “xứ sở kim chi” đều được trang bị công nghệ an toàn, trong đó có hệ thống trợ lái tiên tiến.

Công nghệ mới cho phép phương tiện dừng lại khi phát hiện chướng ngại vật mà lái xe không thấy. Công nghệ này cũng cho phép lái xe có tầm nhìn phía trước rõ hơn, duy trì đúng làn và không vượt quá tốc độ.

Bằng việc sử dụng công nghệ, trí thông minh nhân tạo, các phương tiện cũng có thể nhận diện và tự phản ứng với môi trường xung quanh trong thời gian thực.

Chẳng hạn hệ thống an toàn của phương tiện có thể gửi thông báo gọi lái xe tỉnh giấc nếu hệ thống nhận thấy người lái ở trong trạng thái lờ đờ.

Hyundai Mobis - công ty con của Hyundai Motor đã phát triển hệ thống cảnh báo có thể nhận diện khuôn mặt người lái, theo dõi chuyển động mắt, phân tích dữ liệu sinh trắc học trên khuôn mặt và cảnh báo khi người lái vận hành phương tiện không cẩn thận. Hệ thống này sẽ được ứng dụng trên hầu hết xe Hyundai.

Theo số liệu của Chính phủ Hàn Quốc, các vụ TNGT do lái xe từ 65 tuổi trở lên đã tăng tới 114.795 vụ trong năm 2020, trong khi năm 2016 chỉ có 86.304 vụ.

Trong năm 2018, tài xế có bằng lái từ 65 tuổi trở lên đã gây ra 92,74 vụ trong tổng số 100.000 vụ tai nạn, trong khi tỷ lệ này ở lái xe độ 30 tuổi chỉ là 49,77.

Số vụ tai nạn chết người do lái xe cao tuổi gây ra là 2,9 trên 100 vụ, còn tỷ lệ ở những người trẻ hơn là 1,7 trên 100 vụ.

Trang Trần

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/han-quoc-dau-dau-vi-nguy-co-mat-an-toan-tu-cac-lai-xe-cao-tuoi-d551838.html