Hàn Quốc đối mặt nhiều khó khăn khi tổ chức bầu cử bất thường
Sự chia rẽ của công chúng Hàn Quốc về cựu Tổng thống Yoon Suk Yeol có thể là yếu tố chính tác động đến cuộc bầu cử sắp tới, khi các đảng phái chính trị đang chuẩn bị cho cuộc đua kéo dài hai tháng vào Nhà Xanh.
Ông Yoon Suk Yeol đã bị bãi nhiệm sáng 4/4 sau khi Tòa án Hiến pháp thông qua đề xuất luận tội vì lệnh thiết quân luật. Ông là tổng thống Hàn Quốc thứ hai bị cách chức vì luận tội, sau cựu Tổng thống Park Geun-hye vào năm 2017.
Với việc ông Yoon rời nhiệm sở sau chưa đầy 3 năm trong nhiệm kỳ 5 năm, các đảng phái đối lập hiện đang chuyển trọng tâm sang cuộc bầu cử, dự kiến được tổ chức trong vòng 60 ngày tới.
Ở cuộc bầu cử lần này, dư luận công chúng về quyết định bãi nhiệm ông Yoon được dự đoán sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình cách lựa chọn ứng cử viên và chiến lược vận động tranh cử.
Các cử tri hiện vẫn bất đồng sâu sắc khi những người ủng hộ và phản đối việc luận tội ông Yoon đã tổ chức hàng loạt cuộc biểu tình trong nhiều tuần. Sự chia rẽ chính trị đã lên đến đỉnh điểm vào ngày 19/1, khi những người biểu tình xông vào đập phá tòa án Seoul vì tòa án này ban hành lệnh bắt giữ ông Yoon, khiến ông trở thành tổng thống Hàn Quốc đương nhiệm đầu tiên bị bắt.

Người biểu tình kêu gọi bãi nhiệm ông Yoon tập trung đêm 3/4, trước ngày tòa tuyên án. (Ảnh: Yonhap)


Một nhóm người biểu tình ăn mừng khi tòa bãi nhiệm ông Yoon (trái), trong khi những người ủng hộ ông Yoon không giấu được sự đau buồn (phải). (Ảnh: Yonhap)
Đảng Sức mạnh Quốc dân (PPP) của ông Yoon dường như không có ứng cử viên sáng giá cho cuộc bầu cử sắp tới, vì đã tập trung vào chiến dịch vận động phục chức cho ông. Các ứng cử viên tiềm năng từ PPP bao gồm Bộ trưởng Lao động Kim Moon-soo, Thị trưởng Daegu Hong Joon-pyo, Thị trưởng Seoul Oh Se-hoon và cựu lãnh đạo PPP Han Dong-hoon.
Ngoài việc bị luận tội, ông Yoon còn phải đối mặt với một phiên tòa hình sự riêng về các cáo buộc nổi loạn liên quan đến nỗ lực áp đặt thiết quân luật.
Với việc quyền miễn trừ của tổng thống bị thu hồi, ông Yoon có thể sẽ phải đối mặt với các cuộc điều tra bổ sung về cáo buộc lạm dụng quyền lực và các cáo buộc khác do đảng đối lập đưa ra. Điều này có thể trở thành gánh nặng chính trị cho đảng PPP của ông.
Ở phe đối lập, lãnh đạo đảng Dân chủ Lee Jae-myung được coi là ứng cử viên sáng giá cho chức tổng thống.

Lãnh đạo đảng Dân chủ Lee Jae-myung. (Ảnh: Yonhap)
Ông Lee, người từng thua sít sao ông Yoon trong cuộc bầu cử năm 2022, đã dẫn đầu trong các cuộc thăm dò ban đầu, bất chấp những thách thức pháp lý mà ông đang phải đối mặt.
Tuần trước, một tòa phúc thẩm đã tuyên ông Lee trắng án về cáo buộc vi phạm luật bầu cử. Nếu bị tuyên có tội, ông Lee đã có thể mất ghế trong quốc hội và bị cấm ra tranh cử tổng thống.
Mặc dù phán quyết trắng án đã xóa bỏ rào cản lớn đối với lãnh đạo phe đối lập, nhưng ông vẫn phải đối mặt với nhiều phiên tòa xét xử về tội tham nhũng và các cáo buộc khác.
Trong những tháng gần đây, ông Lee đã bày tỏ sự ủng hộ đối với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, liên minh Mỹ - Hàn và sự hợp tác ba bên với Washington - Tokyo trong nỗ lực rõ ràng nhằm thu hút các cử tri đang dao động.
Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh những trở ngại bên ngoài gia tăng, khi Hàn Quốc phải đối phó với mức thuế quan mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump theo chính sách "Nước Mỹ trên hết", và mối quan hệ quân sự ngày càng sâu sắc của Triều Tiên với Nga.
Khoảng trống lãnh đạo trong bốn tháng qua đã làm bất ổn thị trường tài chính và cản trở hoạt động ngoại giao cấp cao của Hàn Quốc vào thời điểm tái cơ cấu toàn cầu, làm gia tăng căng thẳng cho nền kinh tế vốn mạnh về xuất khẩu.