Hàn Quốc hướng tới mở rộng nền kinh tế hydro
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, phiên họp lần thứ hai của Ủy ban kinh tế Hydro dưới sự chủ trì của Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun ngày 15/10 đã thống nhất áp dụng 'Chế độ bắt buộc phát điện bằng Hydro' (HPS) cho tới năm 2022 nhằm phổ biến một cách hệ thống pin nhiên liệu hydro với trọng tâm mở rộng nền kinh tế hydro.
Chế độ HPS tách riêng pin nhiên liệu khỏi "Chế độ bắt buộc cung cấp năng lượng tái tạo" (RPS) hiện hành đang bao gồm cả các loại năng lượng khác như năng lượng mặt trời hay sức gió, nhằm xây dựng một thị trường cung cấp bắt buộc riêng với pin nhiêu liệu hydro. Dự kiến đến năm 2021, Hàn Quốc sẽ tiến hành sửa Luật về nền kinh tế hydro và quản lý an toàn hydro, đặt ra nghĩa vụ phải phổ biến hydro về trung và dài hạn trong "Kế hoạch cơ bản về hydro", đấu giá thu mua các nguồn điện năng từ pin nhiên liệu. Hàn Quốc đặt mục tiêu đạt được lượng phổ biến pin nhiên liệu tới năm 2040 là 8GW, tạo ra hiệu quả đầu tư 25.000 tỷ won (khoảng 21,87 tỷ USD) trong vòng 20 năm tới.
Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng quyết định cải thiện hệ thống cung cấp khí thiên nhiên, tập trung vào các doanh nghiệp sản xuất hydro, nhằm cung cấp hydro cho thị trường một cách kinh tế và ổn định. Trong đó, chính phủ Hàn Quốc sẽ cho phép Tổng công ty khí gas Hàn Quốc cung cấp trực tiếp khí thiên nhiên cho các đơn vị sản xuất hydro. Ngoài ra, Tổng công ty khí gas cũng có thể ký kết hợp đồng riêng để cung cấp khí tùy theo nhu cầu từ thị trường. Điều chỉnh này dự kiến sẽ giúp các doanh nghiệp sản xuất hydro trong nước có thể tiết kiệm 30% chi phí nguyên liệu, giúp giảm tối đa 43% giá thành hydro.
Hàn Quốc sẽ chính thức xúc tiến thiết lập "thành phố thí điểm về hydro", như thành phố Ansan (thuộc tỉnh Gyeonggi) hay thành phố Ulsan. Cho tới Quý I/2021, Hàn Quốc sẽ hoàn tất thiết kế các công trình phụ trợ liên quan tại hai thành phố này, tiến hành khởi công từ Quý II và dự kiến đưa vào hoạt động từ nửa cuối năm 2022. Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng sẽ tiến hành sửa đổi Luật về xây dựng và vận hành thành phố hydro, để thiết lập các căn cứ pháp lý nhằm hỗ trợ, ưu đãi về công nghệ mới liên quan đến hydro cũng như tài chính cho các doanh nghiệp.
Dự kiến, tổng ngân sách liên quan đến hydro của Hàn Quốc sẽ được nâng lên từ 587,9 tỷ won (514,2 triệu USD) trong năm nay lên 797,7 tỷ won (697,7 triệu USD) vào năm 2021, tăng khoảng 35%. Đặc biệt, chính phủ Hàn Quốc sẽ hợp tác với chính quyền các địa phương và doanh nghiệp để thành lập "Kohygen", một doanh nghiệp xây dựng và điều hành trạm sạc hydro cho các dòng xe thương mại.
Trước khi diễn ra cuộc họp Ủy ban kinh tế Hydro lần thứ hai, các cơ quan trung ương và chính quyền các địa phương như thành phố Busan, Incheon, Ulsan, cùng các doanh nghiệp như Ô tô Hyundai, Công ty năng lượng như SK, GS Caltex... đã tham gia lễ ký kết biên bản ghi nhớ thành lập Kohygen với vốn hỗ trợ của chính phủ là 167 tỷ won (146 triệu USD), các doanh nghiệp tư nhân góp 163 tỷ won (142,5 triệu USD). Kohygen sẽ ra mắt vào tháng 2/2021 với mục tiêu xây dựng và điều hành 35 trạm sạc hydro cho các dòng xe thương mại như xe buýt, xe tải...