Hàn Quốc: Kết quả bầu cử quốc hội sẽ tác động chính sách đối nội, đối ngoại?

Chuyên gia cho rằng thất bại của đảng cầm quyền trong cuộc bầu cử quốc hội ở Hàn Quốc có thể sẽ tác động lớn đến các chính sách của Tổng thống Yoon Suk Yeol.

Ngày 11-4, đảng Quyền lực Nhân dân của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã thất bại trước đảng Dân chủ đối lập trong cuộc bầu cử quốc hội, đặt ra thách thức chính trị rất lớn lên ông Yoon cũng như chương trình nghị sự của ông, theo hãng tin Reuters.

Kết quả do Ủy ban Bầu cử Hàn Quốc công bố cho thấy đảng Quyền lực Nhân dân và các đảng đồng minh giành được 108 ghế trong quốc hội gồm 300 thành viên, trong khi đảng Dân chủ và hai đảng đối lập khác giành được tổng cộng 187 ghế.

Với kết quả bầu cử trên, ông Yoon trở thành tổng thống Hàn Quốc đầu tiên phải đối đầu với quốc hội do phe đối lập kiểm soát trong suốt thời gian đương nhiệm. Trước đó, vào thời điểm ông Yoon nhậm chức tổng thống, phe đối lập cũng đã kiểm soát đa số tại quốc hội Hàn Quốc.

Với việc mỗi tổng thống Hàn Quốc chỉ có một nhiệm kỳ 5 năm, thời gian tại nhiệm còn lại của ông Yoon trên cương vị tổng thống dự kiến sẽ rất khó khăn, theo giới chuyên gia.

 Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đi bỏ phiếu bầu cử quốc hội ở TP Busan (Hàn Quốc) hôm 10-4. Ảnh: YONHAP

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đi bỏ phiếu bầu cử quốc hội ở TP Busan (Hàn Quốc) hôm 10-4. Ảnh: YONHAP

Ngay sau khi thất bại, Tổng thống Yoon đã cam kết sẽ đưa ra những chính sách để cải cách chính quyền của mình. “Tôi sẽ khiêm tốn chấp nhận ý chí của người dân được bày tỏ trong cuộc tổng tuyển cử và sẽ cố gắng cải cách chính quyền cũng như ổn định nền kinh tế và cải thiện sinh kế của người dân” - ông Lee Kwan-seop, chánh văn phòng tổng thống Hàn Quốc, dẫn lời ông Yoon.

Vậy những thay đổi nào có thể xảy ra sau cuộc bầu cử quốc hội Hàn Quốc?

Đối nội sẽ có nhiều thay đổi

Đầu tiên, kết quả bầu cử có thể khiến chính phủ Hàn Quốc phải xem xét lại kế hoạch tăng chỉ tiêu tuyển sinh trường y - một kế hoạch gây tranh cãi khiến khoảng 13.000 bác sĩ thực tập ở Hàn Quốc đình công cho đến nay.

“Tôi coi kết quả bầu cử là sự phản ánh của người dân đối với chính phủ sau các chính sách y tế cấp bách nhưng phớt lờ các thủ tục pháp lý” - một quan chức của Hiệp hội Y tế Hàn Quốc nói với hãng thông tấn Yonhap.

Anh Ryu Ok Hada - một bác sĩ thực tập đã nộp đơn từ chức nói rằng chính phủ cần khiêm tốn chấp nhận kết quả bầu cử và rút lại kế hoạch tăng chỉ tiêu tuyển sinh.

Theo giới phân tích, ông Yoon dự kiến sẽ tiếp tục thúc đẩy kế hoạch cải cách y tế bất kể kết quả bầu cử, nhưng chính phủ lúc này sẽ phải chịu áp lực nặng nề hơn trong việc tìm kiếm giải pháp nhằm chấm dứt tình trạng bác sĩ đình công.

Về kinh tế, cam kết của Tổng thống Yoon về việc loại bỏ kế hoạch đánh thuế đối với thu nhập từ đầu tư tài chính có thể sẽ thất bại trước quốc hội.

Theo đó, Hàn Quốc dự kiến từ năm 2025 sẽ đánh thuế ít nhất 20% nếu lãi vốn hàng năm từ đầu tư chứng khoán vượt quá 50 triệu won (36.700 USD) và các nhà đầu tư kiếm được hơn 2,5 triệu won bằng các tài sản tài chính khác cũng phải chịu thuế.

Vào tháng 1, chính phủ của ông Yoon đề xuất bãi bỏ khoản thuế này vì cho rằng nó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tâm lý của các nhà đầu tư.

Một lĩnh vực dự kiến sẽ chứng kiến nhiều thay đổi tích cực hậu bầu cử đó là năng lượng tái tạo và năng lượng hạt nhân.

Theo Reuters, đảng Dân chủ muốn tăng tỉ lệ năng lượng tái tạo trong cơ cấu năng lượng của Hàn Quốc lên 40% vào năm 2035 từ mức dưới 10% hiện nay, tạo ra một vành đai các trang trại năng lượng gió và mặt trời, đồng thời tăng cường đầu tư để giải quyết các mối đe dọa về khí hậu.

Trong khi đó, ngành quốc phòng và chất bán dẫn được cho là sẽ không có nhiều thay đổi khi cả phe đối lập và đảng cầm quyền đều nhất trí tiếp tục hỗ trợ thúc đẩy lĩnh vực này.

Đối ngoại sẽ ít biến động

Khác với vấn đề đối nội, các chuyên gia cho rằng chính sách đối ngoại của ông Yoon sẽ không bị ảnh hưởng nhiều từ cuộc bầu cử vì quyền quyết định trong lĩnh vực này nằm phần lớn trong tay tổng thống.

 (Từ trái sang) Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Fumio Kishida tổ chức thượng đỉnh ba bên tại Mỹ vào tháng 8-2023. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

(Từ trái sang) Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Fumio Kishida tổ chức thượng đỉnh ba bên tại Mỹ vào tháng 8-2023. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

“Ông Yoon có thể sẽ đẩy nhanh các chính sách đối ngoại của mình, như tăng cường liên minh với Mỹ, cải thiện quan hệ với Nhật và đóng góp nhiều hơn vào các vấn đề toàn cầu theo niềm tin và phong cách của ông. Ông ấy thậm chí có thể theo đuổi những chính sách đối ngoại táo bạo hơn” - chuyên gia Duyeon Kim, nhà phân tích cấp cao tại trung tâm nghiên cứu Center for a New American Security (CNAS, Mỹ) nói với hãng tin AP.

Cụ thể, theo các chuyên gia, thời gian tiếp theo, ông Yoon sẽ tiếp tục lập trường cứng rắn với Triều Tiên. Nhà lãnh đạo Hàn Quốc cũng sẽ tập trung tăng cường khả năng răn đe bằng cách chuẩn bị cho những cuộc tấn công phủ đầu và các biện pháp đối phó trước các động thái từ Bình Nhưỡng.

Chuyên trang Hội đồng quan hệ đối ngoại (Council on Foreign Relations, Mỹ) cho rằng quốc hội ôn hòa của Hàn Quốc có thể đưa ra đòn bẩy hạn chế chính sách cứng rắn của ông Yoon nhưng sẽ không đáng kể.

Trong quan hệ với Trung Quốc - mối quan hệ vốn đã căng thẳng kể từ trước khi ông Yoon lên nắm quyền, chuyên gia nhận định rằng Tổng thống Yoon sẽ tiếp tục chiến lược “giảm thiểu rủi ro” nhưng không “tách rời” mà ông này đã theo đuổi trong hai năm đầu nhiệm kỳ.

Đối với quan hệ Mỹ-Hàn, cả đảng Quyền lực Nhân dân và đảng Dân chủ đều theo đuổi hợp tác với Washington, nhất là trong lĩnh vực an ninh. Ngoài ra, sự ủng hộ của người dân Hàn Quốc đối với liên minh Mỹ-Hàn ở thời điểm hiện tại cũng rất cao, nên quan hệ giữa Seoul và Washington dự kiến sẽ được ưu tiên trong phần còn lại nhiệm kỳ của ông Yoon cũng như trong nhiệm kỳ mới của quốc hội.

Trong khi đó, chính sách đối với Nhật lại được dự đoán sẽ chứng kiến nhiều thay đổi. Trong hai năm đầu nhiệm kỳ, ông Yoon đã cải thiện quan hệ với Tokyo sau những căng thẳng liên quan vấn đề lao động cưỡng bức.

Tuy nhiên, các đảng đối lập trong quốc hội được cho là sẽ cố gắng ngăn cản chính sách của ông Yoon về thúc đẩy quan hệ gần gũi với Nhật. Cải thiện quan hệ với Nhật sẽ là thách thức chính sách đối ngoại lớn nhất của nhà lãnh đạo Hàn Quốc trong thời gian, theo Hội đồng quan hệ đối ngoại.

THẢO VY

Nguồn PLO: https://plo.vn/han-quoc-ket-qua-bau-cu-quoc-hoi-se-tac-dong-chinh-sach-doi-noi-doi-ngoai-post785197.html