Hàn Quốc kêu gọi Triều Tiên duy trì đường dây liên lạc giữa hai miền
Giới chức Hàn Quốc liên lạc với người đồng cấp Triều Tiên thông qua đường dây nóng liên lạc giữa hai miền Triều Tiên tại khu phi quân sự Panmunjom ở Paju, Hàn Quốc ngày 3/1/2018. Ảnh tư liệu: AP/TTXVN
Ngày 9/6, Hàn Quốc đã hối thúc Triều Tiên duy trì đường dây liên lạc liên Triều, sau khi Triều Tiên không trả lời cuộc gọi hằng ngày của Hàn Quốc thông qua đường dây liên lạc quân sự và chính trị giữa hai miền.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Choi Hyun-soo khẳng định đây là lần đầu tiên Triều Tiên không phản hồi cuộc gọi từ phía Hàn Quốc kể từ khi các đường dây nóng được khôi phục vào năm 2018. Một quan chức của Bộ Thống nhất Hàn Quốc nhấn mạnh các đường dây liên lạc giữa hai miền là phương tiện trao đổi cơ bản và nên được duy trì theo đúng các thỏa thuận giữa hai nước. Quan chức này nêu rõ bên cạnh việc tuân thủ các thỏa thuận liên Triều, Chính phủ Hàn Quốc cũng sẽ tăng cường nỗ lực hướng tới hòa bình và thịnh vượng trên bán đảo Triều Tiên.
Phủ Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã từ chối đưa ra phát biểu riêng về thông báo của Triều Tiên cắt toàn bộ các đường dây liên lạc liên Triều.
Phát biểu với phóng viên, một quan chức giấu tên trong Phủ Tổng thống Hàn Quốc nhấn mạnh: "Chính phủ đã bày tỏ quan điểm (về vấn đề này) thông qua Bộ Thống nhất". Điều này thể hiện quan điểm "thống nhất" của chính phủ và Phủ Tổng thống không có kế hoạch ra tuyên bố riêng. Cũng theo quan chức trên, Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) không triệu tập một phiên họp riêng rẽ về động thái mới nhất này của Triều Tiên.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết Seoul đang tham vấn chặt chẽ với Washington liên quan đến quyết định của Triều Tiên cắt đứt mọi đường dây liên lạc với Hàn Quốc. Người phát ngôn Bộ trên, Kim In-chul nêu rõ: “Chúng tôi đang liên lạc chặt chẽ với phía Mỹ trong mọi lúc. Tôi tin rằng liên lạc như vậy là một trong những nhiệm vụ chủ chốt của Bộ Ngoại giao”.
Trước đó, Hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin Bình Nhưỡng "sẽ cắt đứt hoàn toàn và đóng đường dây liên lạc giữa giới chức Triều Tiên và Hàn Quốc, vốn được duy trì thông qua văn phòng liên lạc chung liên Triều", cũng như các đường dây liên lạc khác "từ 12h00 ngày 9/6/2020". KCNA nêu rõ các đường dây bị cắt bao gồm các đường dây liên lạc trên biển giữa quân đội hai nước, đường dây liên lạc thử nghiệm liên Triều và đường dây nóng giữa Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên với Phủ Tổng thống Hàn Quốc (Nhà Xanh).
Đây là động thái mới nhất của Triều Tiên trong bối cảnh quan hệ hai miền căng thẳng liên quan tới việc các nhà hoạt động thả truyền đơn chống Bình Nhưỡng qua biên giới liên Triều. Ngày 5/6 vừa qua, Bộ Mặt trận thống nhất Triều Tiên (UFD) - cơ quan giải quyết các vấn đề liên Triều, tuyên bố sẽ xóa bỏ văn phòng liên lạc liên Triều tại thị trấn biên giới Kaesong ở Triều Tiên, nếu Seoul không ngăn chặn tình trạng thả tờ rơi có nội dung chống Bình Nhưỡng. Đáp lại, Chính phủ Hàn Quốc khẳng định vẫn tuân thủ các thỏa thuận đã đạt được giữa các nhà lãnh đạo hai miền Triều Tiên.
Cùng ngày, Thị trưởng Seoul Park Won-soon phản đối việc các nhà hoạt động Hàn Quốc rải truyền đơn chống Bình Nhưỡng, đồng thời coi hành động đó là mối đe dọa tiềm tàng đối với quan hệ liên Triều.
Cùng ngày 9/6, Trung Quốc đã bày tỏ hy vọng Triều Tiên và Hàn Quốc sẽ hợp tác thông qua đối thoại, trong bối cảnh căng thẳng bùng phát sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ cắt toàn bộ các đường dây liên lạc với Seoul. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã đưa ra phát biểu trên trong cuộc họp báo thường kỳ tại thủ đô Bắc Kinh.
Trong khi đó, các chuyên gia nhận định rằng động thái mới nhất này của Triều Tiên dường như nhằm mục đích bày tỏ sự thất vọng đối với việc Seoul không nỗ lực thúc đẩy các mối quan hệ liên Triều, đồng thời củng cố vị thế thương lượng trong các vấn đề xuyên biên giới. Theo các chuyên gia, động thái cứng rắn mới nhất của Triều Tiên cũng được xem là những nỗ lực nhằm tăng cường khối đoàn kết và tập hợp sự ủng hộ trong nước dành cho nhà lãnh đạo Kim Jong-un thông qua “hành động chỉ trích Hàn Quốc”, trong bối cảnh Bình Nhưỡng phải đối mặt cùng lúc với 2 vấn đề nghiêm trọng trong tiến trình phát triển nền kinh tế yếu kém: các lệnh trừng phạt toàn cầu và hậu quả từ đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)