Hàn Quốc là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam
Chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có ý nghĩa rất lớn ở tầm song phương và đa phương, trên cả bình diện quốc gia và quốc tế.
Chuyến thăm Hàn Quốc của Chủ tịch nước đưa quan hệ lên tầm cao mới
Nhận lời mời của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm cấp nhà nước tới Hàn Quốc từ ngày 4 đến ngày 6/12/2022. Thông tin với báo chí trước chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Nguyễn Vũ Tùng cho biết, chuyến thăm đúng thời điểm hai nước đang tổ chức các hoạt động kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và quyết tâm nâng tầm quan hệ hướng tới những thành tựu mới trong mối quan hệ song phương hiện rất tốt đẹp trên nhiều mặt.
Đồng thời, Việt Nam và Hàn Quốc đang bước vào những thời điểm bản lề trong triển khai chiến lược phát triển của từng nước, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19. Quan hệ song phương, nhất là quan hệ kinh tế, tiếp tục có những đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước.
Chính quyền mới của Tổng thống Yoon Suk-yeol về cơ bản đã hình thành những định hướng chính sách đối ngoại của Hàn Quốc thời gian tới, trong đó coi Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đóng vai trò quan trọng nhất trong chính sách toàn cầu của Hàn Quốc; đồng thời coi ASEAN là trung tâm của chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và Việt Nam là nước trọng điểm trong ASEAN.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là nguyên thủ quốc gia đầu tiên thăm Hàn Quốc ngay sau khi nước này công bố chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và Sáng kiến Đoàn kết ASEAN. Việt Nam là nước điều phối quan hệ ASEAN - Hàn Quốc giai đoạn 2021-2024. Do vậy, theo Đại sứ Nguyễn Vũ Tùng, đặt bối cảnh trong nước và quốc tế, chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có ý nghĩa rất lớn ở tầm song phương và đa phương, trên cả bình diện quốc gia và quốc tế.
Đồng thời, chia sẻ về các trọng tâm trong chương trình nghị sự chuyến thăm lần này, Đại sứ Nguyễn Vũ Tùng cho biết, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Yoon Suk-yeol sẽ thảo luận và nhất trí về việc nâng cấp quan hệ, tạo khuôn khổ mới cho việc nâng tầm quan hệ song phương, đưa ra các định hướng lớn cho quan hệ toàn diện và chiến lược giữa hai nước. "Bản thân chuyến thăm của Chủ tịch nước - là chuyến thăm cấp Nhà nước dành cho vị Quốc khách đầu tiên tới thăm Hàn Quốc sau khi Tổng thống Yoon nhậm chức - cũng thể hiện mối quan tâm của lãnh đạo cấp cao hai nước đối với việc vun đắp quan hệ song phương thông qua tăng cường trao đổi cấp cao" - Đại sứ Nguyễn Vũ Tùng nhấn mạnh.
Trong chuyến thăm lần này, Chủ tịch nước cũng sẽ gặp gỡ đại diện cộng đồng người Việt Nam ở thủ đô Seoul; dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt - Hàn, gặp gỡ đại diện các tập đoàn lớn của Hàn Quốc, các Hội hữu nghị Hàn Quốc - Việt Nam. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ khai trương Ngày Việt Nam tại Hàn Quốc với các sự kiện trưng bày triển lãm văn hóa dân gian, ẩm thực cùng các chương trình biểu diễn văn nghệ truyền thống và đương đại đặc sắc. Các sự kiện này sẽ góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc, tăng cường hiểu biết về đất nước và con người Việt Nam, thúc đẩy giao lưu nhân dân giữa hai nước.
Đại sứ Nguyễn Vũ Tùng khẳng định, với chương trình nghị sự và trong bối cảnh như trên, chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới Hàn Quốc lần này chắc chắn sẽ mở ra một chương mới, giai đoạn mới trong quan hệ Việt – Hàn, đưa hợp tác song phương lên một tầm cao mới.
30 năm thiết lập quan hệ giao giao Việt Nam - Hàn Quốc
30 năm trước, ngày 22/12/1992, Việt Nam và Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao, mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử bang giao giữa hai nước. Kể từ đó cho đến nay, hợp tác giữa hai nước đã đạt được những bước phát triển vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực.
Về hợp tác kinh tế, Hàn Quốc là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam, đứng thứ 1 về đầu tư, thứ 2 về ODA (sau Nhật Bản), thứ 3 về thương mại (sau Trung Quốc và Mỹ). Các cơ chế hợp tác song phương tiếp tục được duy trì như Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế và khoa học kỹ thuật Việt Nam - Hàn Quốc; Ủy ban hỗn hợp cấp Bộ trưởng về hợp tác trong lĩnh vực điện hạt nhân, năng lượng và công nghiệp; Đối thoại về kinh tế cấp Phó Thủ tướng Việt Nam – Hàn Quốc.
Hàn Quốc là nền kinh tế lớn thứ 4 Châu Á, thứ 10 thế giới. GDP năm 2021 đạt 2.057 tỷ USD, tăng 6,4% so với năm 2021; thu nhập bình quân đầu người đạt 35.168 USD. Dự trữ ngoại hối năm 2021 đạt mức 499 tỷ USD. Kim ngạch thương mại năm 2021 đạt 1.259,43 tỷ USD, tăng 22,2% so với năm 2020, trong đó xuất khẩu đạt 644,43 tỷ USD, tăng 25,7% và nhập khẩu đạt 615 tỷ USD, tăng 31,5%; xuất siêu đạt 29,4 tỷ USD.
Về hợp tác lao động, Hàn Quốc là thị trường tiếp nhận lao động lớn thứ 2 của ta (sau Đài Loan) và ta là nước phái cử lao động lớn thứ 2 (sau Trung Quốc). Hiện ta có khoảng 48.000 lao động đang làm việc tại Hàn Quốc. Hai bên đã ký lại Bản ghi nhớ thông thường về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (EPS) (1/2021), Hiệp định bảo hiểm xã hội (12/2021); thí điểm mô hình lao động thời vụ.
Những năm gần đây, Hàn Quốc nổi lên là một trong những thị trường cung cấp khách du lịch trọng điểm của Việt Nam (lớn thứ 2 sau Trung Quốc). Trung bình mỗi tháng có hơn 1.000 chuyến bay thẳng Việt Nam - Hàn Quốc. Năm 2019, khách du lịch Hàn Quốc đến Việt Nam đạt 4,2 triệu lượt, tăng 23,1% so với năm 2018; khách Việt Nam đến Hàn Quốc đạt 550 nghìn lượt người, tăng 21,9%. Lượng khách Hàn Quốc tới Việt Nam giai đoạn 2020 - 2021 giảm do tác động của dịch Covid-19 song đang tăng trở lại từ đầu năm 2022,
Quan hệ hợp tác giữa Tòa án Việt Nam và Tòa án Hàn Quốc được triển khai từ năm 2002. Dự án Tăng cường năng lực Trường Cán bộ Tòa án (nay là Học viện Tòa án) là dự án hợp tác nổi bật nhất . Chính phủ hai nước đang thúc đẩy đàm phán ký Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự, thương mại nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng, tạo điều kiện để công dân mỗi nước yên tâm sinh sống, làm việc tại nước kia.
Về hợp tác giáo dục, hai nước đã ký nhiều văn bản hợp tác, nổi bật là Hiệp định văn hóa (8/1994), Bản ghi nhớ về hợp tác văn hóa nghệ thuật, thể thao và du lịch (10/2008). Hàn Quốc đã thành lập Trung tâm văn hóa Hàn Quốc tại Hà Nội (2006); ký Thỏa thuận dạy thí điểm tiếng Hàn ở cấp trung học (2016); chuyển giao tàu huấn luyện hàng hải Hannara cho trường Đại học Hàng hải Việt Nam (2020). Việt Nam đã áp dụng chương trình giáo dục phổ thông tiếng Hàn – ngoại ngữ 1, hệ 10 năm thí điểm (từ tháng 2/2021).
Bên cạnh đó, về hợp tác nông nghiệp, Hàn Quốc tích cực hỗ trợ Việt Nam triển khai mô hình Nông thôn mới, nổi bật nhất là Chương trình hạnh phúc tại Quảng Trị và Lào Cai; thông qua tổ chức KOICA, viện trợ không hoàn lại vào các lĩnh vực phát triển nông thôn, nông nghiệp thông minh, phòng chống thiên tai.
Đồng thời, hợp tác về lĩnh vực khoa học kỹ thuật, nổi bật là việc hai nước ký Hiệp định về hợp tác khoa học và công nghệ cấp chính phủ (1995). Trong lĩnh vực công nghệ cao, triển khai Thỏa thuận hợp tác ký giữa Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc và Khu Công viên Khoa học Chung Nam - Hàn Quốc (2010); khánh thành Vườn ươm công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc tại thành phố Cần Thơ đã khánh thành (14/11/2015); đang xúc tiến đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án Viện Khoa học kỹ thuật Việt Nam - Hàn Quốc (V-KIST). Hợp tác về sở hữu trí tuệ được tăng cường thông qua hợp tác giữa các cơ quan liên quan ; hợp tác trong khuôn khổ Hiệp ước Hợp tác Sáng chế (PCT). Về năng lượng nguyên tử, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam và Viện Nghiên cứu năng lượng nguyên tử Hàn Quốc đã ký Bản ghi nhớ hợp tác kỹ thuật (3/2007).
Theo thống kê của Cục quản lý xuất nhập cảnh Hàn Quốc, hiện cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc có hơn 216.000 người Việt Nam, gồm hơn 37.000 lao động phổ thông theo chương trình cấp phép lao động (EPS) và lao động thuyền viên, gần 2.000 lao động kỹ thuật, hơn 60.000 người kết hôn di trú, hơn 14.000 sinh viên, hơn 35.000 thực tập thông thường và nghiên cứu sinh, hơn 32.000 người thăm thân. Hàn Quốc cũng có cộng đồng hơn 180 nghìn kiều dân tại Việt Nam, phần lớn là doanh nhân. Hai bên thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu hữu nghị tại mỗi nước, góp phần tăng cường hiểu biết và tin cậy giữa nhân dân hai nước.
Ngoài ra, cộng đồng phật giáo Việt Nam tại Hàn Quốc gồm: (i) Hội Phật tử Việt nam tại Hàn Quốc trực thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam; (ii) 08 đạo tràng thuộc Cộng đồng Phật giáo Việt Nam, trong đó có nhiều hoạt động thiết thực đóng góp cho cộng đồng. Cộng đồng công giáo Việt Nam tại Hàn Quốc có 09 cộng đoàn với khoảng 10 linh mục, 40 – 50 sơ, 09 cộng đoàn (trong đó cộng đoàn nhỏ có quy mô 20 – 30 giáo dân, cộng đoàn lớn khoảng 400 – 500 giáo dân). Các cộng đồng tôn giáo này đều có nhiều hoạt động ý nghĩa hướng về quê hương, Tổ quốc .
Hiện đa số các tỉnh, thành, địa phương của ta đã ký thỏa thuận hợp tác với nhiều địa phương, tổ chức, doanh nghiệp Hàn Quốc. Các nhà đầu tư Hàn Quốc có mặt ở 59 địa phương, tập trung nhiều nhất ở Bắc Ninh, Hà Nội, Đồng Nai, Hải Phòng, Thái Nguyên, TP. Hồ Chí Minh.
Những mốc lớn trong quá trình phát triển quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc:
Từ 1975 - 1982, Việt Nam và Hàn Quốc có hoạt động buôn bán tư nhân qua trung gian; từ 1983 bắt đầu giao thương trực tiếp và triển khai quan hệ phi chính phủ.
Ngày 20/4/1992, ký thỏa thuận trao đổi Văn phòng liên lạc giữa hai nước. Ngày 22/12/1992, ký Tuyên bố chung thiết lập quan hệ ngoại giao cấp Đại sứ; Hàn Quốc mở Đại sứ quán tại Hà Nội.
Tháng 3/1993, Việt Nam mở Đại sứ quán tại Seoul. Tháng 11/1993, Hàn Quốc mở Tổng Lãnh sự quán tại TP. Hồ Chí Minh.
Tháng 8/2001, hai nước ra tuyên bố chung về “Quan hệ đối tác toàn diện thế kỷ 21” nhân chuyến thăm Hàn Quốc của Chủ tịch nước Trần Đức Lương.
Tháng 10/2009, quan hệ hai nước được nâng cấp lên “Đối tác hợp tác chiến lược” nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak.
Hà Hương