Hàn Quốc lên kế hoạch hỗ trợ công nghệ sinh học nội địa, nhắm mốc doanh thu 76,8 tỉ USD năm 2030
Chính phủ Hàn Quốc tuyên bố hỗ trợ cho lĩnh vực công nghệ sinh học nhằm tăng năng lực sản xuất lên 76,9 tỷ USD (100 nghìn tỷ won), đảm bảo vị trí hàng đầu trong thị trường công nghệ sinh học toàn cầu năm 2030.
Với mục tiêu đầy tham vọng này, Bộ Khoa học và Công nghệ Thông tin - Truyền thông Hàn Quốc (KH&CNTT-TT) đã xây dựng một chiến lược phát triển công nghệ sinh học dài hạn, nhằm mục đích nhanh chóng tích hợp công nghệ sinh học với kỹ thuật số tiên tiến.
Chiến lược này không chỉ thúc đẩy sự đổi mới liên tục trong các lĩnh vực khác nhau như y tế, môi trường và nông nghiệp mà còn đảm bảo động lực bền vững cho những tiến bộ mạnh mẽ của các lĩnh vực này trong tương lai.
Trong 7 năm tới, chính phủ Hàn Quốc có kế hoạch cung cấp hỗ trợ tài chính và đưa ra những chính sách ưu đãi cho những công ty khởi nghiệp công nghệ sinh học mới nhằm thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ những tài năng khởi nghiệp trẻ trong nước. Đến cuối năm 2030, các chuyên gia trong ngành dự đoán sẽ có 1.000 công ty công nghệ sinh học mới sẽ tham gia thị trường.
Tính đến năm 2020, sản lượng công nghệ sinh học hàng năm của Hàn Quốc đạt giá trị 34,5 tỉ USD (45 nghìn tỉ won). Chính phủ cam kết tăng cường sự phát triển trong lĩnh vực công nghệ sinh học của quốc gia và có kế hoạch nâng công suất sản xuất lên 76,9 tỉ đô la (100 nghìn tỉ won).
Theo dữ liệu thống kê của nền tảng Statistica, Hàn Quốc có hơn 330 công ty dược phẩm, hoạt động trong lĩnh vực công nghệ sinh học tính đến năm 2021. Các công ty dược phẩm sinh học Hàn Quốc đều là những công ty nổi bật nhất trong ngành công nghệ sinh học thế giới.
Đại dịch COVID-19 đã cho thấy tầm quan trọng của chiến lược xây dựng và củng cố các công nghệ phát triển và sản xuất vắc-xin nội địa. Tầm quan trọng của công nghệ sinh học trong ba năm qua đã nâng cao rõ rệt. Từ thực tế của đại dịch, chính phủ Hàn Quốc tập trung đầu tư vào các dự án nghiên cứu và phát triển công nghệ chế tạo vắc-xin cũng như những phương pháp điều trị bệnh tiên tiến.
Bộ Khoa học và CNTT-TT cũng đang khuyến khích các công ty công nghệ sinh học áp dụng chiến lược chuyển đổi số trong toàn ngành. Những chuyển đổi kỹ thuật số này bao gồm các chương trình tăng cường sử dụng Trí tuệ Nhân tạo (AI) trong lĩnh vực y sinh học, áp dụng những thiết bị chăm sóc sức khỏe số hóa hỗ trợ AI. Ngoài ra, kế hoạch phát triển ngành công nghệ sinh học cũng đặt mục tiêu giải quyết những thách thức do biến đổi khí hậu gây ra.
Ngày 7/6, trong sự kiện liên quan đến sinh học, được gọi là Tham quan Công viên Sinh học “Visiting Bio Caravan” tại Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Hàn Quốc (KAIST) ở Daejeon, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng cùng với chính quyền thành phố Daejeon đã lắng nghe khoảng 25 công ty công nghệ sinh học trình bày những thách thức của doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Theo Yonhap, một số vấn đề chính được nêu ra bao gồm tình trạng thiếu lao động lành nghề trên thị trường, khó khăn trong đảm bảo đầu tư và tài trợ, cũng như sự nhầm lẫn, chồng chéo trong những quy định của chính phủ.