Hàn Quốc: Ngành công nghiệp bán dẫn gặp khó

Nhu cầu sụt giảm của thị trường chip bán dẫn toàn cầu đã ảnh hưởng đáng kể đến doanh thu của ngành công nghiệp bán dẫn tại Hàn Quốc.

Một nhà máy sản xuất chip bán dẫn của Hàn Quốc

Một nhà máy sản xuất chip bán dẫn của Hàn Quốc

Theo thông tin từ FnGuide - một công ty thông tin tài chính, lợi nhuận của tập đoàn Samsung trong quý 4 năm nay giảm tới 46% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này có nghĩa là sự suy giảm trong thị trường chất bán dẫn là rất lớn. Lợi nhuận hoạt động năm 2023 của Samsung Electronics dự kiến sẽ ở mức 33.380 tỷ won (25,66 tỷ USD), giảm khoảng 29% so với năm nay.

SK Hynix - công ty có thị phần bộ nhớ cao hơn Samsung Electronics, cũng đang ở trong tình thế khó khăn. Dự kiến, khoản lỗ hoạt động trong quý 4 sẽ là 643 tỷ won (507 triệu USD) so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức giảm mạnh so với dự báo lợi nhuận hoạt động 1.740 tỷ won (1,3 tỷ USD) chỉ 3 tháng trước. SK Hynix dự kiến sẽ tiếp tục xu hướng thâm hụt cho đến hết nửa đầu năm sau.

LG Electronics cũng bước vào giai đoạn sụt giảm. Lợi nhuận hoạt động dự kiến trong quý 4 của hãng giảm 13,11% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong quý đầu tiên của năm 2023, mức giảm dự kiến của LG Electronics sẽ sâu hơn và lợi nhuận hoạt động dự kiến sẽ giảm 43,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, các ngành thép, hóa dầu và xây dựng, nơi nguyên liệu thô gặp rào cản từ nhập khẩu, chẳng hạn như POSCO Holdings cũng dự kiến sẽ báo lỗ bắt đầu từ quý 4.

Công ty theo dõi và phân tích dữ liệu Gartner đã đưa ra dự báo cho rằng, triển vọng ngắn hạn đối với doanh thu toàn ngành bán dẫn đã xấu đi. Sự suy thoái nhanh chóng của nền kinh tế toàn cầu và nhu cầu của người tiêu dùng suy yếu sẽ tác động tiêu cực đến thị trường chất bán dẫn vào năm 2023.

Theo dự báo của Gartner, doanh thu của ngành bán dẫn toàn cầu dự kiến sẽ giảm 3,6% vào năm sau. Micron - nhà sản xuất bộ nhớ lớn nhất của Mỹ và lớn thứ ba trong lĩnh vực đã báo lỗ hoạt động 100 triệu USD (tương đương 128,4 tỷ won) trong khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 11 năm nay và đây là quý thua lỗ lần đầu tiên của doanh nghiệp sau 7 năm.

Gartner cho rằng, trong khi các nhà sản xuất chip đã mở rộng quy mô, tăng thêm sản lượng để đối phó với tình trạng khan hiếm nguồn cung, thì nhu cầu của người tiêu dùng đối với các thiết bị điện tử như điện thoại thông minh và máy tính dường như đang giảm.

Viện Thương mại quốc tế thuộc Hiệp hội Thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA) công bố báo cáo cho thấy triển vọng xuất khẩu cũng không mấy sáng sủa. Theo kết quả khảo sát do KITA tiến hành, Chỉ số triển vọng xuất khẩu (EBSI) trong quý đầu tiên của năm 2023 chỉ đạt 81,8 điểm. Nếu EBSI, một chỉ số về triển vọng của các công ty đối với lĩnh vực xuất khẩu trong quý tới, thấp hơn 100 có nghĩa triển vọng kinh doanh của ngành được dự đoán sẽ xấu đi so với quý trước.

Các công ty xuất khẩu của Hàn Quốc thậm chí còn dự báo chỉ số EBSI sẽ giảm xuống dưới mức cơ sở 100 trong 4 quý liên tiếp do các yếu tố rủi ro từ bên ngoài và bên trong nền kinh tế lệ thuộc vào xuất khẩu của Hàn Quốc. Tính theo danh mục ngành, EBSI cho chất bán dẫn chỉ đạt 73,5 điểm khi có nhiều công ty đánh giá triển vọng xuất khẩu của ngành là khó khăn.

Đánh giá về những khó khăn xuất khẩu trong lĩnh vực bán dẫn trong quý 1 năm sau, nhiều doanh nghiệp đã đưa ra các yếu tố giá nguyên vật liệu tăng, kinh tế trì trệ ở các nước xuất khẩu và chi phí sản xuất tăng.

PHƯƠNG NAM

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/han-quoc-nganh-cong-nghiep-ban-dan-gap-kho-post673684.html