Hàn Quốc: Những vụ tấn công bằng dao là hồi chuông cảnh báo sức khỏe tâm thần
Các vụ tấn công bằng dao tại Hàn Quốc không chỉ khiến công chúng nước này sợ hãi, mà còn làm dấy lên những cuộc tranh luận về mức án hình sự và sức khỏe tâm thần của người dân.
Những nhát dao ám ảnh
Cuối tuần qua, Hàn Quốc liên tiếp rúng động vì các vụ tấn công bằng dao vô cớ. Đầu tiên là vụ việc xảy ra hôm 3/8, khi một thanh niên khoảng 20 tuổi bất ngờ lao ô tô lên phần đường dành cho người đi bộ ở quận Bundang, thành phố Seongnam, phía Nam thủ đô Seoul. Sau đó y xông vào một trung tâm thương mại gần ga tàu điện ngầm Seohyeon và rút dao đâm túi bụi vào những người có mặt tại đó.
Sự việc khiến 1 người chết và 14 người bị thương. Trong số này, có 12 người hiện đang nguy kịch và 2 trong số đó đã chết não. Đến hôm thứ Hai vừa qua, một trong số các nạn nhân bị thương nặng đã qua đời.
Sự việc khiến dư luận Hàn Quốc sốc nặng. Tổng thống nước này, ông Yoon Suk Yeol gọi vụ tấn công hôm 3/8 là “hành động khủng bố chống lại những công dân vô tội”, và yêu cầu "chính phủ phải huy động tất cả các lực lượng cảnh sát để đảm bảo công chúng không cảm thấy lo lắng”.
Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc sau đó cho biết họ đã triển khai một chiến dịch thực thi đặc biệt, cử thêm nhân viên đến các khu vực công cộng đông đúc và tiến hành các hoạt động ngăn chặn, khám xét những cá nhân khả nghi.
Nhưng chỉ khoảng 1 giờ sau khi xảy ra thảm kịch tại Bundang, trên các mạng xã hội của Hàn Quốc đã xuất hiện 2 lời đe dọa thực hiện các vụ tấn công tương tự, nhằm vào khu vực ga Hamsil và ga Hanti đều ở phía Nam Seoul. Cùng ngày, báo Korea Herald cho hay, một người đàn ông ở độ tuổi 20 đã bị bắt quả tang đang cầm các vật sắc nhọn tại bến xe bus Seocho-gu, thủ đô Seoul. Động cơ của nghi phạm vẫn chưa được xác minh rõ ràng.
Đến ngày hôm sau 4/8, một người đàn ông không rõ danh tính bất ngờ xông vào ngôi trường trung học tại quận Daedeok, thành phố Daejeon, cách Seoul 139 km về phía nam, và đâm gục một nữ giáo viên tại đây. Đối tượng bị bắt cách hiện trường khoảng 8km vào khoảng 12h20 trưa ngày 4/8 và khai nhận là cựu học sinh của cô giáo kể trên. Nạn nhân, nhờ được đưa đi cấp cứu kịp thời, đã qua cơn nguy kịch.
Nỗi sợ hãi như vệt dầu loang
Theo báo Korea Times, sau các vụ đâm dao gây ám ảnh kể trên, đã liên tiếp xuất hiện những lời đe dọa thực hiện các hành động bạo lực tương tự tại Hàn Quốc. Cảnh sát nước này cuối tuần qua đã điều tra 11 bài đăng trên cộng đồng trực tuyến DC Inside và thông qua Telegram messenger, nơi một số người dùng đã nêu rõ chi tiết về thời gian và địa điểm dự kiến của các cuộc tấn công mới có thể xảy ra. Các địa điểm xảy ra được cảnh báo trước chủ yếu nằm gần các ga tàu điện ngầm ở Busan, Seoul và các thành phố ở tỉnh Gyeonggi gần nơi diễn ra vụ tấn công hôm thứ Năm. Một kẻ đe dọa ẩn danh thậm chí còn thề sẽ “giết càng nhiều người càng tốt”.
Mặc dù một số bài đăng đã bị xóa vào chiều thứ Sáu, nhưng nỗi sợ hãi của công chúng vẫn gia tăng khi ảnh chụp màn hình của chúng tiếp tục lan truyền trên mạng. Nhiều người dân Hàn Quốc hoảng loạn gửi cho nhau cái gọi là “danh sách cảnh báo giết người”, trong đó liệt kê các địa điểm phổ biến được đề cập trong các bài đăng đe dọa gây án được tìm thấy trên mạng.
Trước tình hình này, cảnh sát được tăng cường tối đa ở các khu vực bị đe dọa, lực lượng phản ứng nhanh và xe cứu thương cũng sẵn sàng túc trực. Nhưng điều đó dường như không xua được nỗi lo của người dân.
Bà Lee Young-ja, 78 tuổi, người đã chạy thoát thân kịp thời trong vụ tấn công ở Bungdang cho biết, bà vẫn chưa khỏi ám ảnh và rất sợ ra đường. "Tôi luôn nói với các con tôi phải cẩn thận khi ra nước ngoài vì lo sợ súng đạn nhưng giờ tôi còn sợ hơn khi ở Hàn Quốc”, bà Lee Young-ja nói với phóng viên Reuters.
Một cư dân khác sống tại Seongnam, anh Choi Jun-ho, cho biết anh đã hết sức cảnh giác trên đường đi làm vào sáng thứ Sáu, gần trung tâm thương mại nơi xảy ra vụ đâm xe và tấn công bằng dao hôm 3/8. “Thật đáng sợ”, thanh niên 26 tuổi này nói. “Một cái gì đó như thế này có thể xảy ra ngay bên cạnh tôi. Và, ý nghĩ phải lo lắng mỗi bước ra đường hằng ngày khiến tôi kiệt quệ về tinh thần”.
Các nhà làm luật đang nghĩ lại
Hàn Quốc, nơi luật súng nghiêm ngặt ngăn chặn gần như tất cả dân thường sở hữu súng, gần đây đã ghi nhận mức độ tội phạm thấp nhất trong vòng 1 thập kỷ, với tỷ lệ giết người giảm xuống còn 1,3 vụ trên 100.000 người, theo dữ liệu mới nhất của chính phủ nước này. Tỷ lệ đó chỉ mới tiệm cận một nửa mức bình quân của các quốc gia thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và chỉ bằng khoảng một phần năm tỷ lệ giết người ở Mỹ. Những con số này là một phần lý do khiến Hàn Quốc được xem như quốc gia an toàn bậc nhất trong số những nước phát triển.
Thế nhưng, các vụ tấn công bằng dao bừa bãi và vô cớ liên tiếp xảy ra khiến giới chức Hàn Quốc cũng như các nhà làm luật buộc phải xem xét bổ sung các hình phạt tăng nặng đối với loại tội phạm nguy hiểm, cũng như tăng cường thẩm quyền cho lực lượng chấp pháp.
Hôm thứ Sáu, Bộ Tư pháp Hàn Quốc cho biết họ sẽ theo đuổi các bước để bổ sung bản án chung thân không ân xá vào hệ thống luật hình sự của nước này. Hiện tại, những người bị kết án tù chung thân tại Hàn Quốc đủ điều kiện để được tạm tha sau 20 năm ngồi sau song sắt.
Bộ trưởng Tư pháp Hàn Quốc, ông Han Dong-hoon hôm thứ Hai cũng tuyên bố việc cảnh sát và công chúng sử dụng vũ lực khi đối đầu với những nghi phạm có dấu hiệu làm hại hoặc đe dọa làm hại tính mạng và thân thể của người dân nên được coi là hành động tự vệ. Ông Han nói rằng những vụ tấn công kể trên, được gọi là “mudjima” hay “đừng hỏi tại sao” - những vụ mà thủ phạm không có động cơ trực tiếp hoặc mối liên hệ trước đó với các nạn nhân - đang gây hoang mang cực độ cho công chúng và kêu gọi cơ quan công tố nhanh chóng xem xét lại việc sử dụng vũ lực để tự vệ trong quá trình bắt giữ những kẻ phạm tội có hành vi bạo lực dã man.
Cảnh sát Hàn Quốc cũng cho biết sẽ áp dụng cáo buộc giết người có chủ ý với bất kỳ tác giả nào của các mối đe dọa trực tuyến bị phát hiện chuẩn bị thực hiện một tội ác cụ thể. Yoon Hee-keun, Tổng ủy viên của Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc (NPA) nói với báo Korea Herald rằng các sĩ quan cảnh sát - những người được phép mang súng nhưng thường cực kỳ miễn cưỡng sử dụng chúng - tới đây sẽ không do dự như vậy nữa khi đối mặt với những nghi phạm nguy hiểm.
Nỗi lo sức khỏe tâm thần
Theo Wall Street Journal, Hàn Quốc vốn có thành tích kém trong việc hỗ trợ sức khỏe tâm thần - một yếu tố mà các chuyên gia tâm lý và các nhà hoạt động cho rằng đã góp phần vào tỷ lệ tự tử của nước này, tỷ lệ này cao nhất trong gần hai thập kỷ qua trong số các thành viên tổ chức OECD. Các chuyên gia địa phương cho biết việc tìm cách điều trị sức khỏe tâm thần vẫn bị xã hội kỳ thị và có thể là cơ sở để một công ty bảo hiểm y tế từ chối bảo hiểm.
Sở dĩ nhắc tới điều này vì những kẻ tấn công bằng dao tại Hàn Quốc thời gian qua hầu hết đều có dấu hiệu, hoặc đã được xác nhận, gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần. Trong vụ việc ở khu vực Bundang hôm 3/8, cảnh sát tỉnh Gyeonggi cho biết nghi phạm lái xe lao vào người qua đường đã bỏ học cấp ba do mắc chứng sợ xã hội và sau đó được chẩn đoán mắc chứng rối loạn nhân cách phân liệt. Người này đôi lúc nói nhảm khi bị thẩm vấn và luôn ám ảnh rằng mình đang bị “một nhóm người nào đó đang theo dõi và tìm cách giết hại”.
Trước vụ việc kể trên, Hàn Quốc đã từng chứng kiến hai vụ tấn công bạo lực nghiêm trọng khác trong năm nay liên quan đến những người trẻ tuổi có biểu hiện rõ ràng là bị suy sụp tinh thần. Hồi tháng 5 năm nay, một phụ nữ 23 tuổi đã giết một sinh viên đại học mà cô gặp qua một ứng dụng dạy kèm bằng cách sử dụng danh tính giả. Các nhà tâm lý học tội phạm được mời tham gia vụ án cho biết người phụ nữ dường như bị thúc đẩy bởi sự ghen tị với địa vị xã hội và trình độ học vấn của nạn nhân.
Vào ngày 21/7, một người đàn ông ngoài 30 tuổi đã giết chết một người và làm bị thương ba người khác trong một vụ tấn công bằng dao gần ga tàu điện ngầm Slim ở phía nam Seoul. Anh ta nói với cảnh sát rằng anh ta “không còn ý chí sống” và rằng anh ta đã “sống một cuộc đời khốn khổ nên muốn làm cho người khác đau khổ”.
Hoặc như vụ đâm nữ giáo viên tại thành phố Daejeon hôm 4/8, cảnh sát cho hay nghi phạm được chẩn đoán mắc bệnh tâm thần phân liệt và trầm cảm trong những năm gần đây, nhưng không được điều trị.
Bà Yoon Jeong-sook, Tiến sĩ tâm lý tại Viện Nghiên cứu tội phạm Hàn Quốc, cho biết các vụ án gây sốc kể trên làm sáng tỏ một nguy cơ nghiêm trọng đối với xã hội, đó là ngày càng nhiều thanh niên bất mãn và có quan điểm lệch lạc về hoàn cảnh của họ. “Chúng ta cần suy nghĩ về những cách để giải quyết tốt hơn tình trạng phân cực thu nhập đang gia tăng trong giới trẻ Hàn Quốc và tạo ra những mạng lưới an toàn vững chắc hơn cho những người bị tụt lại phía sau hoặc bị gạt ra ngoài lề xã hội” - bà Yoon nói.