Hàn Quốc: Nối lại đối thoại ngoại giao với Nhật Bản

Theo Roi-tơ và TTXVN, ngày 28-10, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề châu Á và Ấn Độ Dương thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản Ta-ki-da-ki Si-ghê-ki bắt đầu chuyến thăm Hàn Quốc kéo dài ba ngày. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một quan chức ngoại giao trong chính phủ của tân Thủ tướng Nhật Bản Xư-ga Y-ô-si-hi-đê tới Hàn Quốc. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Theo Roi-tơ và TTXVN, ngày 28-10, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề châu Á và Ấn Độ Dương thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản Ta-ki-da-ki Si-ghê-ki bắt đầu chuyến thăm Hàn Quốc kéo dài ba ngày. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một quan chức ngoại giao trong chính phủ của tân Thủ tướng Nhật Bản Xư-ga Y-ô-si-hi-đê tới Hàn Quốc. Theo kế hoạch, ông Ta-ki-da-ki Si-ghê-ki có cuộc gặp với Vụ trưởng Vụ châu Á - Thái Bình Dương thuộc Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Kim Dung Han vào ngày 29-10, tập trung trao đổi về các vấn đề song phương như vấn đề bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng ép lao động thời chiến, tổ chức Hội nghị cấp cao Hàn - Trung - Nhật. Dư luận Hàn Quốc đặc biệt quan tâm khả năng cuộc họp cấp Vụ trưởng Ngoại giao Hàn - Nhật được nối lại sau tám tháng có thể tạo đột phá cho các vấn đề song phương nổi cộm.

Mỹ: Dỡ bỏ thuế quan với nhôm Ca-na-đa

Tổng thống Mỹ Đ.Trăm thông báo chính thức dỡ bỏ thuế quan đánh vào nhôm thô nhập khẩu từ Ca-na-đa, nhưng cảnh báo biện pháp thuế quan sẽ được khôi phục nếu hoạt động nhập khẩu sản phẩm này từ Ca-na-đa gia tăng. Chính quyền Tổng thống Đ.Trăm đã dành cho Ca-na-đa cơ chế được miễn trừ thuế nhôm trong năm 2019, tuy nhiên, làn sóng nhập khẩu nhôm chưa gia công từ Ca-na-đa tăng đã khiến Mỹ áp đặt thuế quan trở lại trong tháng 8, gây căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước. Nhôm thô chiếm 59% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhôm các loại của Ca-na-đa sang Mỹ trong năm 2019.

I-xra-en: Đàm phán về lãnh hải với Li-băng

I-xra-en thông báo nước này và Li-băng ngày 28-10 bắt đầu vòng đàm phán thứ hai do Mỹ làm trung gian về tranh chấp lãnh hải, nhằm đạt được thỏa thuận về phân định lãnh hải giúp khai thác các tài nguyên trên biển. Đây được xem là sự tương tác chính thức hiếm hoi giữa hai quốc gia không có quan hệ ngoại giao chính thức này. Li-băng và I-xra-en về mặt lý thuyết vẫn đang trong tình trạng chiến tranh. Hiện hai bên đang tập trung giải quyết các tranh chấp trên biển để cho phép tiến hành các hoạt động thăm dò dầu khí và chưa có ý định tiến tới bình thường hóa quan hệ./.

PV

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5089/202010/tin-van-quoc-te-han-quoc-noi-lai-doi-thoai-ngoai-giao-voi-nhat-ban-2540627/