Hàn Quốc phản đối kết nạp Nhật Bản là thành viên Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc
Ngày 11/7, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã lên tiếng phản đối về việc Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc (UNC) do Mỹ đứng đầu đang xúc tiến phương án kết nạp Nhật Bản làm thành viên.
Hàn Quốc không đồng ý kết nạp Nhật Bản là thành viên Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc. (Ảnh minh họa, Nguồn: Yonhap)
Phó Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng nước này Roh Jae-cheon trong buổi họp báo thường kỳ cùng ngày cho rằng, Nhật Bản không phải là quốc gia tham gia chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), nên không thể hoạt động như một thành viên của Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc.
Ông Roh còn nhấn mạnh, nếu UNC muốn kết nạp Nhật Bản là thành viên thì đương nhiên phải thảo luận với Bộ Quốc phòng Hàn Quốc.
Căn cứ theo nghị quyết số 83 và 84 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua năm 1950, 16 quốc gia cung cấp lực lượng chiến đấu cho UNC đã nhất trí sẽ cử đơn vị chiến đấu tới Bán đảo Triều Tiên trong trường hợp tái bùng nổ chiến tranh thông qua Tuyên bố Washington.
Phó phát ngôn viên Bộ Quốc phòng khẳng định, Hàn Quốc chưa từng thảo luận với Mỹ về việc đưa Nhật Bản trở thành thành viên và cũng chưa hề xem xét về vấn đề này.
Lập trường trên được Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đưa ra sau khi có thông tin nói rằng, UNC đang xúc tiến phương án kết nạp Nhật Bản vào danh sách các quốc gia cung cấp lực lượng chiến đấu. Đây là những quốc gia có thể đưa binh lực, trang thiết bị hỗ trợ chiến đấu trong các tình huống nguy cấp trên Bán đảo Triều Tiên dưới lá cờ Liên hợp quốc.
Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng bày tỏ lập trường không tán thành về sự tham gia của Đức vào UNC.
Phó phát ngôn Bộ quốc phòng Hàn Quốc cho biết: "Việc đó đã diễn ra mà chưa có sự thảo luận trước với chúng tôi hoặc sự đồng thuận của Chính phủ Hàn Quốc. Vì thế chúng tôi đã mạnh mẽ thông báo (với phía Đức) rằng, chúng tôi không thể chấp nhận kế hoạch này".
Ông Roh Jae-cheon cho rằng, các quốc gia tham gia được cử đến hỗ trợ quyền tự vệ cho Hàn Quốc dựa theo đề nghị của Seoul, do đó, việc cử thêm lực lượng chiến đấu từ một thành viên mới nhất định phải được sự đồng ý của Hàn Quốc.
Trong trường hợp Đức muốn cử một sĩ quan liên lạc tới UNC thì cần phải có sự đồng ý trước của Chính phủ Hàn Quốc, quốc gia đương sự, căn cứ theo Hiến pháp Hàn Quốc.
Trong các cuộc đàm phán cấp thứ trưởng giữa Hàn Quốc và Đức bên lề Đối thoại Shangri-La tại Singapore hồi tháng 5, Seoul đã phát hiện ra việc Mỹ có kế hoạch tiếp nhận một sĩ quan liên lạc của quân đội Đức vào UNC. Hàn Quốc vẫn không biết về việc này cho đến thời điểm đó, bởi vì Mỹ chưa bao giờ thảo luận vấn đề trên với Seoul trước đó.
Khi được hỏi về dự định của Mỹ thúc đẩy việc bổ sung Đức vào UNC, ông Roh đã từ chối trả lời, chỉ nói rằng, Hàn Quốc và UNC vẫn duy trì hợp tác chặt chẽ trong các hoạt động của tổ chức này.