Hàn Quốc phân phối toàn cầu thuốc điều trị COVID-19 bằng kháng thể

Thuốc điều trị COVID-19 do Celltrion Healthcare điều chế - Nguồn: Celltrion Inc.

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, tập đoàn dược phẩm khổng lồ Hàn Quốc Celltrion Inc. ngày 10/5 thông báo bắt đầu phân phối toàn cầu thuốc điều trị COVID-19 bằng kháng thể và điểm đến đầu tiên là Pakistan.

Celltrion Healthcare, công ty phụ trách hoạt động kinh doanh của Celltrion ở nước ngoài, cho biết đã ký hợp đồng với một công ty nhà nước của Pakistan để xuất khẩu 100.000 viên Rekirona, đủ dùng cho 30.000 bệnh nhân. Một quan chức của Celltrion cũng cho biết công ty đang tiến hành đàm phán với các nước châu Âu, Nam Mỹ và Ấn Độ để xuất khẩu loại thuốc này.

Trước đó, vào tháng 2, Rekirona đã được Cơ quan An toàn dược phẩm và thực phẩm Hàn Quốc (MFDS) cấp phép sử dụng có điều kiện, trở thành loại thuốc điều trị COVID-19 đầu tiên được sản xuất ở Hàn Quốc.

Rekirona là loại thuốc điều trị COVID-19 bằng kháng thể được sản xuất bằng cách chọn gene kháng thể trung hòa trong máu của bệnh nhân mắc COVID-19 trong thời kỳ dưỡng bệnh và đưa gene đã chọn vào tế bào chủ được nuôi cấy để sản xuất kháng thể trên quy mô lớn.

Phương pháp điều trị này đã được Hàn Quốc áp dụng cho các bệnh nhân COVID-19 thuộc nhóm có nguy cơ cao, gồm những người từ 60 tuổi trở lên hoặc có bệnh nền như tim mạch, tiểu đường, huyết áp cao hoặc các bệnh mãn tính ảnh hưởng đến hô hấp.

Celltrion cũng cho biết hãng đã hoàn thành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba - một phần quan trọng của nghiên cứu - tại hơn 10 quốc gia trên thế giới nhằm có đánh giá toàn diện về hiệu quả cũng như mức độ an toàn của phương pháp điều trị này.

Trong diễn biến khác, ngày 9/5, Ủy viên Liên minh châu Âu (EU) phụ trách thị trường nội khối Thierry Breton cho biết EU chưa ký thêm hợp đồng mua văcxin ngừa COVID-19 với hãng AstraZeneca sau tháng 6 – thời điểm hợp đồng hiện nay hết hiệu lực.

Phát biểu trên đài truyền thanh Pháp, ông Breton nêu rõ: “Chúng tôi không gia hạn đơn đặt hàng sau tháng 6. Chúng tôi sẽ chờ xem điều gì xảy ra”. Ông lưu ý điều này không có nghĩa là chấm dứt các thỏa thuận mua văcxin với hãng dược phẩm Anh - Thụy Điển cũng như không loại trừ khả năng sẽ gia hạn vào giai đoạn sau.

Tháng trước, EU đã khởi kiện hãng dược AstraZeneca vì vi phạm hợp đồng cung ứng văcxin ngừa COVID-19, cản trở các nỗ lực triển khai chương trình tiêm chủng của khối này.

Theo hợp đồng ban đầu giữa hai bên, AstraZeneca có nghĩa vụ cung cấp 180 triệu liều văcxin cho EU trong quý II/2021 trong tổng số 300 triệu liều dự kiến giao trong giai đoạn từ tháng 12/2020 đến tháng 6 năm nay. Tuy nhiên, ngày 12/3 vừa qua, AstraZeneca cho biết hãng chỉ có thể đảm bảo khoảng 30% số văcxin dự kiến giao cho EU trong quý II.

Một số nước thành viên EU đã hạn chế sử dụng văcxin này do lo ngại về phản ứng phụ hiếm gặp xuất hiện huyết khối sau khi tiêm. Tuy nhiên, Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) khẳng định lợi ích ngừa COVID-19 của văcxin này lớn hơn rủi ro xảy ra tác dụng phụ.

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen mới đây thông báo EU đã ký kết thỏa thuận với các hãng BioNTech/Pfizer để mua thêm 1,8 tỉ liều văcxin ngừa COVID-19 trong giai đoạn 2021-2023 nhằm đảm bảo cung cấp đủ liều cho 450 triệu dân, quyên góp và bán lại văcxin. Ông Breton dự báo giá văcxin thế hệ thứ hai của BioNTech/Pfizer có thể cao hơn trước đó.

Cùng ngày 9/5, người phát ngôn Bộ Y tế Slovakia cho biết một phòng thí nghiệm của Hungary xác nhận lô văcxin Sputnik V ngừa COVID-19 đầu tiên của Nga được gửi đến Slovakia đạt yêu cầu và Chính phủ Slovakia sẽ thảo luận các bước tiếp theo với Nga.

Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, các cuộc thử nghiệm trên đã được tiến hành ở Hungary sau khi Nga yêu cầu thử nghiệm bổ sung tại một phòng thí nghiệm được EU chứng nhận. Chính phủ Slovakia đang xem xét liệu có nên sử dụng văcxin của Nga tại quốc gia có 5,5 triệu dân bị ảnh hưởng nặng bởi đợt bùng phát COVID-19 hay không.

Người phát ngôn Bộ Y tế Slovakia, Zuzana Eliasova xác nhận Slovakia đang chờ kết quả thử nghiệm thêm từ Nga, dự kiến sẽ có vào cuối tháng 5. Bà không cho biết chi tiết loại xét nghiệm nào đã được thực hiện ở Hungary hay liệu kết quả có thể giải quyết bất kỳ khoảng trống dữ liệu nào mà cơ quan quản lý dược phẩm Slovakia còn thiếu hay không. Vào tháng 4, cơ quan quản lý dược phẩm Hungary cho biết sẽ giúp Slovakia kiểm tra các lô văcxin Sputnik V của Nga đã được chuyển đến Slovakia. Bộ trưởng Y tế Slovakia, Vladimir Lengvarsky ngày 7/5 cho biết các cuộc kiểm tra đều đạt yêu cầu.

Trong khi đó, phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn một nguồn tin từ Bộ Kinh tế liên bang Đức cho biết, Nga sẽ chưa thể cung cấp văcxin ngừa COVID-19 Sputnik V cho Đức trước tháng Tám tới do việc đình trệ trong sản xuất cũng như thỏa thuận về việc cung cấp văcxin cho Ấn Độ, khiến các cuộc đàm phán về việc chuyển giao văcxin của Nga cho Đức gặp bế tắc.

Báo Bild của Đức ngày 9/5 dẫn các nguồn thạo tin cho hay, các cuộc đàm phán giữa lực lượng đặc trách sản xuất văcxin của Đức với phía Nga về khả năng mua văcxin Sputnik V ngày càng gặp khó khăn. Nếu có, Nga chỉ có thể cung cấp văcxin rất muộn cho Đức trong khi những yêu cầu để văcxin này được Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) phê duyệt là "rất nhiều" và dường như cao hơn dự kiến của Moscow.

Bài báo dẫn thông tin từ lực lượng đặc trách Đức - bao gồm đại diện các bộ Y tế, Kinh tế và Tài chính liên bang Đức - tiết lộ, phía Nga dường như sẽ khó có thể cung cấp văcxin cho Đức trong tháng 6 hoặc tháng 7 tới. Lý do là đang có vấn đề trong việc thu mua nguyên liệu thô để sản xuất văcxin này.

Hơn nữa, ngay cả khi Nga có thể chuyển giao văcxin cho Đức trong mùa Hè, điều đó lại là vấn đề với việc cung cấp văcxin cho Ấn Độ. Bài báo dẫn các nguồn tin Chính phủ Đức nhận định, với tình hình hiện nay ở Ấn Độ, việc giao hàng cho Đức trong tháng Sáu là hoàn toàn khó xảy ra. Sau đó, do việc tiếp nhận nhiều hơn các văcxin khác, Đức có thể không bị phụ thuộc vào văcxin Sputnik của Nga nữa.

Trước đó, nhiều bang của Đức đã thông báo kế hoạch đơn phương mua văcxin Sputnik V của Nga, trong đó bang Bayern đã ký một ý định thư về việc mua văcxin của Nga. Theo truyền thông Nga, văcxin của nước này đã được cấp quyền lưu hành khẩn cấp ở 64 nước với tổng dân số trên 3,2 tỉ người. Dựa trên những phân tích dữ liệu của 3,8 triệu người Nga đã tiêm Sputnik V, văcxin này đạt hiệu quả tới 97,6%.

Về tình hình dịch bệnh ở Đức, theo thông báo của các cơ quan y tế Đức tối 9/5, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 11.200 ca nhiễm mới, ít hơn khoảng 2.600 ca so với Chủ Nhật trước (tương đương mức giảm gần 19%), trong khi số ca tử vong trong ngày là 127 ca.

Hiện, số người còn đang mắc COVID-19 ở Đức là 273.478 trường hợp. Tính từ đầu dịch tới nay đã có 3,52 triệu ca nhiễm và 84.790 ca tử vong.

Trong bối cảnh số ca nhiễm mới có chiều hướng giảm những ngày qua, Bộ trưởng Kinh tế liên bang Đức Peter Altmaier nhận định về khả năng sớm dỡ bỏ các hạn chế ở nhiều khu vực quận/huyện/thành phố trong vài ngày hoặc vài tuần tới, trong đó có việc cho phép các nhà hàng phục vụ khách ngoài trời.

Tại Đức, bắt đầu từ ngày 9/5, những người đã tiêm đủ (gần 8 triệu người) hoặc đã khỏi bệnh sau khi mắc COVID-19 được hưởng một số nới lỏng hạn chế sau khi luật Phòng chống lây nhiễm sửa đổi có hiệu lực.

Theo đó, những người này không còn bị ràng buộc với lệnh giới nghiêm, những hạn chế về tiếp xúc xã hội và khi tới các tiệm làm tóc hay mua hàng theo lịch hẹn không cần phải làm xét nghiệm trước.

Nếu từ nước ngoài trở về Đức, những người này cũng sẽ không cần phải cách ly, trừ phi đó là những nước/khu vực có nguy cơ cao do các biến thể virus. Tuy vậy, các đối tượng được hưởng những nới lỏng vẫn phải tuân thủ quy định về việc đeo khẩu trang hay giữ khoảng cách.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Báo Tin Tức)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/255466/han-quoc-phan-phoi-toan-cau-thuoc-dieu-tri-covid-19-bang-khang-the.html