Hàn Quốc sẽ viện trợ vũ khí cho Ukraine
Trong cuộc phỏng vấn mới nhất với báo giới, Tổng thống Yoon Suk Yeol tiết lộ khả năng viện trợ Ukraine trường hợp Kiev bị tấn công dân sự quy mô lớn.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cho biết Hàn Quốc sẽ viện trợ vũ khí cho Ukraine bên cạnh các khoản nhân đạo và kinh tế.
Trước khi có chuyến thăm cấp nhà nước tới Mỹ vào tuần tới, ông Yoon cho biết Hàn Quốc đang nỗ lực hỗ trợ tái thiết Ukraine, tương tự những gì mà nước ông đã được quốc tế giúp đỡ trong giai đoạn Chiến tranh Triều Tiên 1950-53.
Ông cho biết: "Nếu bất kỳ cuộc tấn công quy mô lớn hoặc một vụ thảm sát nào nhằm vào người dân xảy ra, chúng tôi sẽ không chỉ hỗ trợ mỗi nhân đạo hoặc tài chính".
Đây là lần đầu tiên Seoul đề nghị sẵn sàng cung cấp vũ khí cho Ukraine sau hơn một năm không thực hiện việc này.
Mặc dù là đồng minh thân cận của Mỹ và là nhà sản xuất đạn dược lớn, cho đến nay Hàn Quốc vẫn đứng ngoài các cuộc viện trợ vũ khí nhằm tránh làm mất lòng Nga khi nhiều công ty của “xứ sở kim chi” đang hoạt động trên lãnh thổ nước này.
Ông Yoon nói: “Tôi tin rằng sẽ không có giới hạn đối với việc hỗ trợ và khôi phục một quốc gia bị chiến tranh tàn phá. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ thực hiện các biện pháp phù hợp nhất khi xét đến mối quan hệ với các bên tham chiến cũng như tình hình chiến sự".
Dự kiến vào tuần tới, Tổng thống Yoon Suk Yeol sẽ thăm Washington và dự Hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Joe Biden - đánh dấu kỷ niệm 70 năm thiết lập liên minh của hai nước.
Ông Yoon có thể sẽ tìm kiếm một kết quả cụ thể trong quan hệ với các đồng minh trước mối đe dọa gia tăng từ Triều Tiên - quốc gia đã tăng cường các cuộc thử nghiệm quân sự và phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa nhiên liệu rắn lần đầu tiên vào tuần trước.
Bên cạnh đó, Seoul sẽ đẩy mạnh khả năng giám sát, trinh sát và phân tích tình báo, đồng thời phát triển vũ khí công suất lớn để chống lại các mối đe dọa từ Triều Tiên, nhận định của Reuters.
Ông nói: "Nếu một cuộc chiến tranh hạt nhân nổ ra giữa Nam và Bắc Triều Tiên, không chỉ cả hai bên cùng bị ảnh hưởng, mà toàn bộ khu vực Đông Bắc Á có thể sẽ thiệt hại nặng nề”.
Khi được hỏi về liên minh Nhật-Hàn có tạo nên một tổ chức quân sự tương tự NATO ở châu Á hay không, ông Yoon cho biết hai bên đang tập trung vào các biện pháp song phương để tăng cường chia sẻ thông tin, lập kế hoạch dự phòng chung và cùng thực hiện kế hoạch.
Vào tháng 2, Hàn Quốc và Mỹ đã tổ chức nhiều cuộc tập trận mô phỏng các cuộc tấn công hạt nhân của Triều Tiên, cho thấy nỗ lực khẳng định vị thế và vai trò của Seoul trong chính sách hạt nhân của Washington đối với Triều Tiên.
Căng thẳng leo thang
Trong những tuần gần đây, căng thẳng lên đến đỉnh điểm khi Triều Tiên đe dọa sẽ có hành động thực tế đối với Mỹ-Hàn. Điều này được thể hiện qua các cuộc tập trận liên tục cũng như việc từ chối trả lời đường dây nóng liên Triều.
Về phía Hàn Quốc, ông Yoon khẳng định sẵn sàng đàm phán hòa bình nhưng phản đối việc tổ chức bất kỳ một cuộc họp thượng đỉnh bất ngờ nào với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un mà ông cho là để phô trương thanh thế trước cử tri trong nước.
Ông chỉ trích những thông báo đột ngột của các chính phủ cũ về những cuộc đàm phán liên Triều, điều mà ông cho rằng không tạo được lòng tin.
Người tiền nhiệm của ông Yoon, Moon Jae-in, đã đặt cược sự nghiệp chính trị của mình vào việc cải thiện quan hệ liên Triều, trong đó phải kể đến việc giàn xếp cuộc gặp gỡ lịch sử giữa ông Kim và Tổng thống Mỹ Donald Trump vào năm 2018.
Ba hội nghị thượng đỉnh Kim và Moon tổ chức vào năm 2018 đã hứa hẹn hòa bình và hòa giải. Nhưng các mối quan hệ đã trở nên xấu đi, Triều Tiên đã tiến hành một số vụ thử vũ khí chưa từng có trong lịch sử sau hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai giữa Kim và Trump thất bại.
Ông Yoon cay đắng thừa nhận: "Họ đã tổ chức nhiều cuộc đàm phán như vậy trước các cuộc bầu cử, nhưng cuối cùng thì quan hệ liên Triều vẫn giậm chân tại chỗ".
Theo ông, viện trợ nhân đạo có thể mở ra cơ hội đối thoại và cả hai bên có thể chuyển sang các chủ đề nhạy cảm hơn như kinh tế và quân sự.
Năm ngoái, Hàn Quốc đã đề xuất cứu trợ Covid-19 và tiết lộ kế hoạch cung cấp viện trợ kinh tế để đổi lấy việc giải trừ hạt nhân, nhưng Bình Nhưỡng đã thẳng thừng từ chối.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/han-quoc-se-vien-tro-vu-khi-cho-ukraine.html