Hàn Quốc tận dụng mọi cơ hội, hối thúc Triều Tiên trở lại bàn đàm phán
Ngày 7/9, Giới chức Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết, sẽ thông qua diễn đàn an ninh thường niên lớn nhất của khu vực, diễn ra trong tuần này, để chuyển tới Triều Tiên thông điệp rằng họ nên quay trở lại bàn đàm phán.
Dự kiến, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha sẽ tham dự một loạt hội nghị thường niên do Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đứng đầu, trong đó có Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), diễn ra từ ngày 9-12/9. Các cuộc họp năm nay sẽ được tổ chức theo hình thức trực tuyến do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
ARF là hội nghị an ninh thường niên lớn nhất của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, vốn sẽ quy tụ các nhà ngoại giao hàng đầu đến từ 27 quốc gia. Đây là một trong những cuộc họp hiếm hoi mà Triều Tiên tham dự đều đặn.
Hàn Quốc có ý định thông qua ARF, Hội nghị thượng đỉnh Đông Á và các hội nghị liên quan khác để tái khẳng định cam kết thúc đẩy hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời hối thúc Bình Nhưỡng quay trở lại bàn đàm phán.
Trả lời báo giới, một quan chức Hàn Quốc cho hay: "Chúng tôi đang nỗ lực gửi thông điệp rằng vấn đề then chốt là đưa Triều Tiên trở lại lộ trình đàm phán. Chúng tôi đang thảo luận để tái khẳng định các nỗ lực quốc tế hướng tới phi hạt nhân bán đảo Triều Tiên và mang lại tiến triển thực sự cho một nền hòa bình lâu dài".
Trước đó, cùng ngày, trong một diễn đàn hòa bình thường niên do Bộ Thống nhất tổ chức, Bộ trưởng Lee In-young cũng đã kêu gọi hai miền Triều Tiên đi đầu trong việc đạt được "hòa bình hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược".
Ông Lee tuyên bố: "Hàn Quốc và Triều Tiên sẽ tìm thấy khả năng chung sống với nhau trong một cộng đồng thông qua hợp tác cùng có lợi. Tôi tin rằng điều đó sẽ thúc đẩy tiến trình hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên và xu hướng đối thoại quan trọng trong phi hạt nhân hóa giữa Triều Tiên và Mỹ".
Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc cho biết, sẽ tìm kiếm các cuộc trao đổi trong lĩnh vực nhân đạo như một phần của nỗ lực nối lại trao đổi xuyên biên giới và bày tỏ hy vọng về sự hợp tác "cụ thể" trong các lĩnh vực như y tế công, chống virus và biến đổi khí hậu. Quan chức Hàn Quốc bày tỏ: “Chúng tôi hy vọng rằng Triều Tiên sẽ hưởng ứng với sự khởi đầu mới này”.
Trong khi đó, cũng trong ngày 7/9, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres khẳng định, ngoại giao là "con đường duy nhất" với hòa bình và phi hạt nhân hóa bền vững trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời kêu gọi hai miền Triều Tiên cùng Mỹ khởi động lại những nỗ lực ngoại giao và nối lại đối thoại đã đã bị đình trệ.
Quan hệ liên Triều đã bị đình trệ kể từ khi Hội nghị thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào hồi tháng 2 năm ngoái.
Gần đây, quan hệ giữa hai miền nguội lạnh hơn khi Triều Tiên cho nổ văn phòng liên lạc chung ở thị trấn biên giới Kaesong và cắt đường dây liên lạc liên Triều để phản đối việc rải truyền đơn chống Bình Nhưỡng của những người đào tẩu Triều Tiên ở Hàn Quốc.
(theo Yonhap)