Hàn Quốc tăng cường quân đội, cùng Mỹ tập trận đối phó Triều Tiên
Trước những diễn biến mới ở Triều Tiên, Hàn Quốc vừa tăng cường quân đội vừa tiến hành tập trận cùng Mỹ.
Đối phó với tên lửa Triều Tiên
Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo hôm nay (10/6) cho biết các đợt diễn tập tư thế sẵn sàng chiến đấu của Không quân liên quân Hàn-Mỹ và cuộc tập trận phối hợp hệ thống phòng thủ tên lửa đã diễn ra theo đúng kế hoạch ban đầu. Tuy nhiên, Bộ trưởng Jeong không đề cập cụ thể về các cuộc tập trận này.
Đài KBS cho biết, Bộ Quốc phòng và Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc thông báo rằng quân đội Hàn-Mỹ gần đây đã tiến hành diễn tập trao đổi thông tin thăm dò tên lửa, kết hợp các biện pháp thăm dò và đánh chặn với tình huống giả định là phóng tên lửa.
Một quan chức quân đội cho biết quân đội hai nước đã tiến hành diễn tập định kỳ công tác chia sẻ thông tin liên quan tới địa điểm, động cơ phóng tên lửa.
Cuộc tập trận được tiến hành tập trung ở Trung tâm kiểm soát tác chiến tên lửa đạn đạo (AMD-cell) của quân đội Hàn Quốc và Trung tâm kiểm soát tác chiến hệ thống đánh chặn bằng tên lửa Patriot (TMD-cell) của quân đội Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc.
Quân đội Hàn Quốc hiện đang vận hành tên lửa Patriot, quân đội Mỹ đồn trú vận hành tên lửa Patriot kết hợp hệ thống tên lửa đánh chặn tầm trung cao (THAAD).
Đặc biệt, hai bên đã tổng hợp tất cả các phương tiện đánh chặn trên không, trên biển và trên đất liền mà quân đội Hàn Quốc, quân đồn trú Mỹ và quân đội Mỹ sở hữu để rà soát phương thức phản công. Theo đó, giả sử Triều Tiên phóng tên lửa, quân đội Hàn Quốc sẽ kích hoạt tên lửa Patriot và tên lửa dẫn đường hạm đối không SM-2, còn quân đội Mỹ đồn trú sẽ đồng thời phóng tên lửa Patriot và tổ hợp THAAD để tấn công đáp trả.
Quân đội Hàn Quốc và quân đội Mỹ đồn trú được cho là đang thiết lập hệ thống liên kết trung tâm kiểm soát tác chiến. Trung tâm kiểm soát tác chiến của quân đồn trú Mỹ được cho là sẽ liên kết với Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương và Bộ Tư lệnh quân đội Mỹ đồn trú ở Nhật Bản.
Củng cố quân đội Hàn Quốc
Tại cuộc họp 6 tháng đầu năm của quan chức Bộ Quốc phòng ngày hôm nay (10/6), Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã thống nhất rằng tình trạng quân đội tại khu vực biên giới Hàn-Triều phải được quản lý một cách ổn định và nghiêm ngặt.
Trong cuộc họp, phía Hàn Quốc đánh giá rằng Thỏa thuận quân sự Hàn-Triều được ký kết nhân nhịp Hội nghị cấp cao liên Triều diễn ra vào tháng 9/2018 đã có đóng góp cụ thể và thực chất đối với việc giảm căng thẳng mang tính quân sự và xây dựng lòng tin giữa hai bên.
Tuy nhiên, Hàn Quốc cũng nhận định rằng gần đây quan hệ hai bên có những căng thẳng. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc sẽ tiếp tục nỗ lực thực hiện thỏa thuận này với mục đích giảm căng thẳng mang tính quân sự, đồng thời ủng hộ chính sách phi hạt nhân hóa và tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên của chính phủ Hàn Quốc.
Bên cạnh đó, đồng thời với việc duy trì lực lượng đối phó dựa trên quan hệ đồng minh Hàn-Mỹ, sẽ có những biện pháp đối phó với đe dọa an ninh từ nhiều góc độ.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho rằng hiện tại, ngoài việc đối phó với đại dịch , Triều Tiên vẫn đang tiếp tục hoạt động mang tính quân sự như phóng tên lửa… do đó, quân đội Hàn Quốc được đặt trước tình trạng phải cùng lúc ứng phó với không chỉ đối với những đe dọa an ninh quân đội truyền thống, mà cả đối với đe dọa an ninh quân đội phi truyền thống như đại dịch Covid-19. Trong thời gian qua, quân đội Hàn Quốc đã thực hiện huấn luyện vừa phòng chống đại dịch Covid-19, vừa đối phó với các vụ bắn tên lửa của Triều Tiên.
Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo nhấn mạnh rằng quân đội Hàn Quốc đồng thời với việc huấn luyện, phải thường xuyên duy trì sức mạnh chiến đấu cao nhất.
Trong những ngày qua, Triều Tiên đã có những động thái ngừng liên lạc với phía Hàn Quốc thông qua Văn phòng liên lạc liên Triều vốn đã thực hiện từ sau khi hai bên ký thỏa thuận hợp tác liên Triều vào năm 2018. Theo thông lệ, quân đội hai bên thường thực hiện các cuộc gọi định kỳ của hai kênh liên lạc này vào 9h sáng và 17h chiều mỗi ngày.
Đây là lần đầu tiên Bình Nhưỡng không trả lời các cuộc điện thoại kiểm tra định kỳ kể từ khi khôi phục kênh liên lạc quân sự và đường dây nóng giữa các tàu thuyền trên biển giữa hai nước. Điều này khiến quan hệ hai bên trở nên căng thẳng./.