Hàn Quốc tạo ra 'cơm thịt bò' có khả năng cạnh tranh trên thị trường
Các nhà nghiên cứu Hàn Quốc vừa công bố một bước tiến mới trong lĩnh vực thực phẩm nhân tạo, với sản phẩm được gọi là 'cơm thịt bò'.
Đây được kỳ vọng là giải pháp thay thế bền vững cho thịt bò chăn nuôi, thân thiện với môi trường và có giá cả phải chăng.
Theo Giáo sư Jinkee Hong thuộc Đại học Yonsei, Seoul - chủ nhiệm nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Matter số ra tháng 3, "cơm thịt bò" là sản phẩm đầu tiên thuộc loại hình này.
Sản phẩm sử dụng bông lúa làm cơ sở để nuôi cấy các tế bào cơ và mỡ động vật. Nghiên cứu cho thấy, các nhà khoa học đã xử lý cây lúa bằng enzyme để tạo môi trường tối ưu cho sự phát triển của tế bào. Sau đó, họ đưa các tế bào bò vào nuôi cấy để tạo ra sản phẩm lai cuối cùng, có hình dạng giống như một hạt gạo màu hồng nhạt.
Nhóm nghiên cứu Yonsei không phải là đơn vị đầu tiên tham gia vào lĩnh vực thịt nhân tạo. Trên thế giới, nhiều công ty đã tung ra các sản phẩm thịt nuôi cấy. Gần đây nhất, Singapore đã đưa ra thị trường thịt gà và cá chình làm từ thực vật, được nuôi cấy từ đậu nành.
Nhóm của giáo sư Jinkee Hong cho biết, gạo có lợi thế về mặt an toàn thực phẩm so với đậu nành hoặc các loại hạt khác do ít người bị dị ứng với gạo hơn. Ông chia sẻ: "Nếu được phát triển thành công thành các sản phẩm thực phẩm, 'cơm thịt bò' có thể đóng vai trò như một nguồn protein bền vững, đặc biệt ở những nơi chăn nuôi gia súc truyền thống không khả thi".
"Cơm thịt bò" chứa khoảng 8% protein và 7% chất béo, cao hơn so với gạo thông thường. Giáo sư Hong cho biết 18% protein có nguồn gốc từ động vật, do đó đây là nguồn cung cấp dồi dào các axit amin thiết yếu.
Ông Jinkee Hong cho rằng với giá thành khoảng 2 USD/kg và lượng khí thải carbon thấp hơn nhiều so với nuôi bò lấy thịt truyền thống, "cơm thịt bò" có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn còn phải đối mặt với những thách thức về mặt kỹ thuật và vấn đề thuyết phục người tiêu dùng về hương vị và kết cấu sản phẩm.