Hàn Quốc: Thị trường đồ cũ trị giá 43.000 tỷ won và thách thức từ chính sách thuế

Delivered Korea – công ty hỗ trợ khách hàng nước ngoài mua hàng từ các nhà bán lẻ Hàn Quốc, bao gồm cả hàng cũ – đạt giá trị giao dịch 48 tỷ won vào năm ngoái, tăng hơn 200% so với năm trước.

Ngành kinh doanh hàng cũ tại Hàn Quốc đang phát triển mạnh, đặc biệt nhờ vào sự phổ biến của hàng hóa K-pop trên toàn cầu. Tuy nhiên, các quy định thuế hiện hành đang cản trở sự tăng trưởng của lĩnh vực này, dẫn đến ngày càng nhiều lời kêu gọi cải cách chính sách thuế để thúc đẩy xuất khẩu.

Theo Cơ quan An ninh và Internet Hàn Quốc, thị trường bán lại của nước này dự kiến đạt 43.000 tỷ won (29,3 tỷ USD) trong năm nay, tăng mạnh từ 26.000 tỷ won vào năm 2023. Sự bùng nổ này chủ yếu nhờ vào sự phát triển của các nền tảng giao dịch đồ cũ và mở rộng ra thị trường quốc tế của họ.

Delivered Korea – công ty hỗ trợ khách hàng nước ngoài mua hàng từ các nhà bán lẻ Hàn Quốc, bao gồm cả hàng cũ – đạt giá trị giao dịch 48 tỷ won vào năm ngoái, tăng hơn 200% so với năm trước. Bunjang, một trong những nền tảng bán lại lớn nhất tại Hàn Quốc, cũng ghi nhận số lượng người dùng quốc tế tăng 131% chỉ một năm sau khi ra mắt nền tảng Bunjang Global vào tháng 7/2023.

Hàng hóa K-pop là động lực chính thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới. Theo Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc, doanh số bán hàng trực tiếp ra nước ngoài thông qua các nền tảng thương mại điện tử đã tăng từ 679,1 tỷ won năm 2014 lên 1.700 tỷ won vào năm 2023. Ktown4u, cửa hàng trực tuyến chuyên bán đồ K-pop, dẫn đầu xuất khẩu thương mại điện tử của Hàn Quốc năm ngoái với doanh thu 93 triệu USD.

Dù có tiềm năng lớn, ngành bán lại xuyên biên giới đang bị hạn chế bởi quy định thuế. Hàn Quốc áp dụng thuế giá trị gia tăng (VAT) 10% cho hầu hết các giao dịch hàng hóa và dịch vụ, trong khi xuất khẩu nói chung được hưởng thuế suất 0%. Tuy nhiên, giao dịch hàng cũ thường không được khấu trừ VAT do thiếu hóa đơn thuế chính thức, dẫn đến tình trạng đánh thuế hai lần khi bán lại hàng hóa.

Hiện tại, chỉ các doanh nghiệp kinh doanh rác thải tái chế và xe đã qua sử dụng mới được hưởng lợi từ cơ chế khấu trừ thuế VAT đầu vào. Do đó, các chuyên gia trong ngành đang kêu gọi chính phủ mở rộng chính sách này cho hoạt động xuất khẩu hàng cũ nhằm tăng tính cạnh tranh quốc tế.

Trần Quang (P/v TTXVN tại Seoul)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/han-quoc-thi-truong-do-cu-tri-gia-43-000-ty-won-va-thach-thuc-tu-chinh-sach-thue/368226.html