Hàn Quốc tìm biện pháp ứng phó với ngập lụt
Thủ đô Seoul và nhiều vùng lân cận ở Hàn Quốc vừa trải qua ngập lụt kinh hoàng do trận mưa lớn nhất trong vòng 115 năm qua gây ra, khiến ít nhất 11 người thiệt mạng và khoảng 8 người mất tích. Tình trạng nghiêm trọng này buộc các lãnh đạo Hàn Quốc phải nhanh chóng gấp rút tìm các biện pháp kiểm soát, ứng phó với ngập lụt, không để tái diễn trong tương lai.
Báo động hệ thống thoát nước ở thủ đô Seoul
Theo thống kê ban đầu, khoảng 3.775 ngôi nhà và tòa nhà bị ngập, hầu hết là ở Seoul sau trận mưa lớn từ thứ Hai đến sáng thứ Tư, gây ra nhiều trận lũ quét khắp miền Nam Seoul. Nhiều tuyến đường cao tốc và đường sắt ở Hàn Quốc phải đóng cửa, các tuyến tàu điện ngầm ở một số khu vực phải tạm thời đình chỉ hoạt động.
Theo Korea Times, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã phải lên tiếng xin lỗi công chúng về tình trạng lộn xộn do lượng mưa lớn, đồng thời yêu cầu các bộ liên quan thực hiện các biện pháp ngay lập tức để khắc phục nhanh chóng. Ông nói: “Chúng ta không thể gọi thời tiết khắc nghiệt như vậy là bất thường nữa”. Trước đó, Cơ quan Khí tượng Hàn Quốc (KMA) cho biết, lượng mưa vừa qua là hơi bất thường vì mùa mưa hàng năm của Hàn Quốc thường kéo dài từ cuối tháng 6 đến cuối tháng 7.
Trong khi đó, các chuyên gia quản lý thảm họa cho biết, lũ lụt chưa từng có xảy ra do hệ thống thoát nước ở Seoul không thể xử lý lượng nước tăng đột ngột. Họ kêu gọi chính quyền thành phố mở rộng quy mô hạ tầng để đối phó với các tình huống tương tự trong tương lai.
Ông Cho Won-cheol, giáo sư danh dự về kỹ thuật dân dụng tại Đại học Yonsei, tin rằng khu vực thủ đô không có cơ sở hạ tầng thoát nước bền vững, mặc dù tốc độ đô thị hóa nhanh chóng. “Nhiều con đường ở Seoul không có hệ thống thoát nước thích hợp để trữ và loại bỏ nước chảy tràn hiệu quả trong trường hợp mưa lớn hoặc lũ lụt. Đáng tiếc là tầm quan trọng của việc bảo đảm đầu tư đủ vào cơ sở hạ tầng như vậy thường bị chính quyền bỏ qua”, ông nói .
Thực tế, theo một quan chức cấp cao của chính quyền thủ đô Seoul, kể từ trận lũ lụt năm 2012, thành phố đã tiếp tục tăng cường các biện pháp và cải thiện cơ sở hạ tầng như xây dựng các đường hầm vượt lũ dưới lòng đất, song hệ thống thoát nước hiện tại chỉ chịu được lượng mưa khoảng 85 - 90mm/h.
Năm 2015, chính quyền thành phố công bố kế hoạch cải thiện vấn đề thoát nước ở Gangnam và các khu vực lân cận trị giá khoảng 1,4 nghìn tỷ won (1.07 tỷ USD). Công trình ban đầu dự kiến hoàn thành vào năm 2016, nhưng do ngân sách và các vấn đề khác, nó đã phải đối mặt với chậm trễ. Seoul đặt mục tiêu dự án sẽ hoàn thành vào năm 2024. Nhưng ngay cả với dự án kể trên, nhiều chuyên gia cũng chỉ ra rằng, hệ thống thoát nước sẽ không thể chịu đựng được những trận mưa lớn như vừa qua. Hệ thống được thiết kế để chịu được một trận mưa lớn xảy ra 30 năm một lần, trong khi lượng mưa hôm đầu tuần ở Seoul là lớn nhất được ghi nhận trong 115 năm.
Hành động khẩn cấp
Hôm 10.8, đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền và Chính phủ Hàn Quốc nhất trí xem xét chỉ định các khu vực bị ảnh hưởng bởi mưa lớn những ngày qua là “vùng thiên tai đặc biệt”, trong một cuộc họp tham vấn chính sách tại Quốc hội và thảo luận các biện pháp ứng phó với tình trạng mưa lớn gây ngập lụt tại thủ đô Seoul.
Tại cuộc họp, một lực lượng đặc nhiệm đã được nhất trí thành lập nhằm giám sát tốt hơn tình trạng thoát nước trên toàn quốc, giúp ngăn chặn những thiệt hại tương tự trong tương lai. Các đại biểu còn thảo luận việc dành ngân sách bổ sung cho năm tới để xây dựng thêm đường thoát nước qua các khu vực trũng thấp ở thủ đô.
Trước đó, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cũng chủ trì cuộc họp bàn biện pháp đối phó với tình trạng mưa lũ và ngập úng những ngày qua. Ông cho rằng các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần phải thiết lập một hệ thống dự báo và cảnh báo mưa lũ ở tất cả các đường thủy, bao gồm sông, sông nhánh, suối; tận dụng mọi nguồn lực để giảm thiểu thiệt hại về tính mạng và tài sản.
Mới đây nhất, Thị trưởng Seoul Oh Se-hoon vừa công bố các biện pháp phòng chống lũ lụt trung và dài hạn, trong đó có việc xây dựng hệ thống chứa và thoát nước mưa dưới lòng đất tại 6 khu vực có nguy cơ cao bị ngập lụt. Cụ thể, chính quyền thành phố sẽ chi 1.500 tỷ won (1,15 tỷ USD) trong thập kỷ tới để xây dựng 6 hệ thống chứa và thoát nước mưa quy mô lớn sâu dưới lòng đất. Hệ thống ống thoát nước với đường kính khoảng 10m được đặt ở độ sâu từ 40 - 50m dưới lòng đất.
Trong giai đoạn đầu triển khai các biện pháp chống lũ lụt, đến năm 2027, chính quyền thành phố sẽ xây dựng các đường hầm chứa nước mưa dưới lòng đất tại 3 khu vực xung quanh ga Gangnam ở Gangnam, khu vực suối Dorim ở Gwanak và Gwanghwamun ở trung tâm Seoul. Tại khu vực Gangnam vốn bị ảnh hưởng nặng nề nhất do trận mưa lớn trong tuần này, đường hầm dưới lòng đất sẽ được thiết kế để có thể chống đỡ với lượng mưa lớn lên tới 110mm/h. Thực tế, các khu vực phía Nam Seoul đã phải hứng chịu lượng mưa lên tới hơn 100mm/h trong đợt mưa lũ lịch sử vừa qua.