Hàn Quốc tố Trung Quốc đánh cắp văn hóa

Chính giới Hàn Quốc chỉ trích việc Trung Quốc để người mẫu mặc hanbok (trang phục của người Hàn Quốc) trong phần giới thiệu 56 dân tộc của đại lục tại lễ khai mạc Olympic 2022.

“Đừng thèm muốn văn hóa của quốc gia khác”, ông Lee Jae Myung, ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ cầm quyền, viết trên trang Facebook cá nhân, theo AP.

Trong một tiết mục của lễ khai mạc Olympic, một phụ nữ mặc bộ hanbok màu trắng và tím nhạt - đại diện cho dân tộc Triều Tiên - cùng đại diện của các dân tộc khác tại Trung Quốc diễn hành với quốc kỳ nước này tại sân vận động Tổ Chim, Bắc Kinh.

 Người phụ nữ mặc hanbok bên quốc kỳ Trung Quốc. Ảnh: Korea Times.

Người phụ nữ mặc hanbok bên quốc kỳ Trung Quốc. Ảnh: Korea Times.

Ông Park Chan Dae, một nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ, cáo buộc Bắc Kinh “trá hình hanbok là của Trung Quốc”, cũng như gọi đây là “vấn đề rất quan trọng”.

“Chúng tôi không thể bỏ qua những âm mưu trắng trợn của Trung Quốc nhằm yêu sách văn hóa của Triều Tiên trên các sân khấu như Olympic”, ông Park nói hôm 5/2.

Ông Lee Yang Soo - người phát ngôn của đảng Quyền lực Nhân dân - gọi lễ khai mạc là một “vết nhơ”, cũng như cam kết có phản ứng cứng rắn vì Trung Quốc “phá hủy bản sắc văn hóa của Hàn Quốc và bóp méo lịch sử”.

Đảng Quyền lực Nhân dân là chính đảng của chính trị gia Yoon Suk Yeol, đối thủ chính của ông Lee Jae Myung trong cuộc bầu cử sắp tới.

Ông Lee Yang Soo cũng chỉ trích Bộ trưởng Thể thao Hàn Quốc Hwang Hee - người có mặt tại Bắc Kinh trong lễ khai mạc Olympic hôm 4/2 - vì không phản đối ban tổ chức đối với tiết mục hanbok.

Ông Hwang tuyên bố buổi lễ có thể gây “hiểu lầm” giữa hai nước, nhưng khẳng định Seoul không có dự định phản đối.

Trong khi đó, một số người Hàn Quốc nhìn nhận phản ứng của các chính trị gia là sai lầm, khi có khoảng 2 triệu người thuộc dân tộc Triều Tiên ở Trung Quốc.

Bà Kang Min Jin, thành viên đảng Tiến bộ, gọi hanbok là đại diện cho cộng đồng người Trung Quốc gốc Triều Tiên.

“Hanbok không chỉ thuộc về chúng ta, mà còn thuộc về cả những người Triều Tiên tại Trung Quốc. Họ cũng có quyền được nhà nước tôn trọng về văn hóa và trang phục”, bà Kang viết.

Việt Hà

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/han-quoc-to-trung-quoc-danh-cap-van-hoa-post1294291.html