Hàn Quốc trước bài toán về nhân lực

Hiện nay, Hàn Quốc đang phải đối mặt với tình trạng dân số già hóa, tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức thấp kỷ lục, các nhà máy, cửa hàng hay trang trại đang phải vật lộn với bài toán tìm nhân lực.

Số liệu thống kê chính thức của Hàn Quốc cho thấy, nước này đã lần đầu tiên ghi nhận dân số sụt giảm theo năm. Trong khi đó, số lao động nước ngoài nhập cư cũng giảm sâu từ mức trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện. Số lao động nhập cư vào Hàn Quốc hiện chỉ tương đương khoảng 2/3 mức trước đại dịch. Trong khi đó, tăng trưởng việc làm giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 4 năm qua, điều này phản ánh điều kiện thị trường lao động khó khăn. Các ngành dịch vụ, trong đó có lĩnh vực du lịch bị tác động nặng nề nhất do lượng du khách Trung Quốc đến Hàn Quốc tiếp tục giảm. Khu vực tiêu dùng tư nhân vẫn chưa hoàn toàn phục hồi khiến các công ty tuyển dụng ít hơn. Con số việc làm trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản cũng giảm do chính phủ công bố một loạt biện pháp giám sát đầu cơ.

Một nguồn lực chưa được “khai thác”

Hàn Quốc hiện là quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới, dự báo dân số nước này sẽ tiếp tục giảm do tỷ lệ người cao tuổi gia tăng và điều này là đáng báo động. Nhằm đối phó với tình trạng này, nhiều công ty đã sử dụng công nghệ tự động hóa để lấp đầy khoảng trống lao động. Ở một số nhà hàng, robot đã đóng vai trò thay thế cho con người trong việc chế biến thực phẩm hay giao thức ăn đến bàn của những khách hàng quen thuộc, trong khi một số khác sẽ làm việc ở các nhà kho hay thậm chí thực hiện dịch vụ vận chuyển hàng hóa. Song, có một nguồn lực mà Hàn Quốc đang có trong tay nhưng chưa khai thác hết, đó là lao động nữ giới. Tính đến tháng 9.2022, chỉ có 55,1% phụ nữ Hàn Quốc trưởng thành tham gia lực lượng lao động, trong khi nam giới chiếm 73,7%.

Ngoài ra, mặc dù có rất nhiều phụ nữ Hàn Quốc được giáo dục tốt, năng động và sẵn sàng để làm việc, nhưng nước này vẫn ghi nhận sự khác biệt lên tới 31,1% giữa mức lương của nam giới và nữ giới. Đây là khoảng cách lớn nhất trong số 38 quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Nguyên nhân của vấn đề nằm ở việc năng suất bị kiềm tỏa, khiến phụ nữ khó được hưởng mức lương phù hợp với trình độ học vấn và kỹ năng của mình. Phụ nữ Hàn Quốc vẫn bị hạn chế bởi các giá trị truyền thống sâu sắc trong chính sách, văn hóa doanh nghiệp và xã hội.

Khi Tổng thống Yoon Suk Yeol vạch ra kế hoạch cho 5 năm tới, trong bối cảnh các mô hình kinh tế công nghiệp của nước này đang phải đối mặt với nhiều thách thức cơ cấu cấp bách, các sáng kiến đưa ra nhằm thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong lực lượng lao động nên được ưu tiên. Các tập đoàn công nghiệp truyền thống của Hàn Quốc đang chứng kiến nhu cầu ở nước ngoài suy giảm do kinh tế toàn cầu suy thoái, cùng với áp lực từ các đối thủ cạnh tranh mới nổi của Trung Quốc.

Trong bối cảnh đó, các chuyên gia cho rằng Trung Quốc cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kinh tế từ sản xuất sang dịch vụ và các ngành công nghiệp cao cấp. Phụ nữ đã và đang đóng một vai trò quan trọng trong quá trình phát triển này. Họ đảm nhận vai trò cấp cao trong các lĩnh vực ngày càng thiết yếu như mỹ phẩm, dịch vụ trực tuyến, bán lẻ, giải trí và du lịch. Thậm chí, nhiều công ty trong những lĩnh vực này được lãnh đạo bởi các nhà sáng lập nữ, trái ngược hoàn toàn với các ngành công nghiệp truyền thống. Điển hình như Sophie Kim - Giám đốc điều hành công ty dịch vụ giao thực phẩm tươi sống trực tuyến Market Kurly, hiện đang chuẩn bị cho đợt Phát hành cổ phiếu công khai lần đầu (IPO).

Nguồn: Financial Times

Nguồn: Financial Times

Ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế dài hạn

Mặc dù đã có những tấm gương như vậy nhưng nhiều phụ nữ vẫn gặp trở ngại khi đi làm, và các chuyên gia đã chỉ ra nguyên nhân của vấn đề này. Tương tự Hàn Quốc, Nhật Bản cũng đang phải vật lộn với tình trạng này, ngay cả sau khi nước này thúc đẩy mạnh mẽ học thuyết “womenomics” nhằm tăng tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ. Trong khi ngày càng có nhiều phụ nữ Nhật Bản nắm giữ các vị trí việc làm bán thời gian hoặc tạm thời, thì tỷ lệ nữ giới trong số những người có công việc ổn định vẫn thấp. Khoảng cách về việc làm do nam giới và nữ giới nắm giữ ở Nhật Bản và Hàn Quốc hiện nay tương đương với mức được thấy ở Mỹ trong những năm 1960 và 1970. Mặc dù các giá trị xã hội khác nhau có thể giải thích một phần cho sự khác biệt này, nhưng việc châu Á chú trọng nhiều đến các lĩnh vực chuyên sâu về sản xuất cũng là một trong những nguyên nhân chính.

Một chất xúc tác quan trọng khác bổ sung cho việc phụ nữ Mỹ tăng cường tham gia lực lượng lao động hồi đó là sự hiểu biết về các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, và một quyết định mang tính bước ngoặt vào năm 1973 của Tòa án Tối cao Mỹ, trong đó Tòa án phán quyết rằng Hiến pháp Mỹ bảo vệ quyền tự do của một phụ nữ mang thai được chọn phá thai mà không bị chính phủ hạn chế. Những thay đổi này đã mang lại cho phụ nữ khả năng lập kế hoạch cuộc sống của họ tốt hơn và tự do hơn để tiếp tục việc học tập hoặc công tác của mình. Tuy nhiên, Tòa án Tối cao Mỹ gần đây đã đảo ngược quyết định mang tính bước ngoặt nay. Tại Hàn Quốc, quy định cấm phá thai cũng đã được hủy bỏ vào năm ngoái sau phán quyết của Tòa án Hiến pháp, song thủ tục này vẫn chưa thể thống nhất đúng thời hạn để đưa ra khung lập pháp mới.

Trong bối cảnh này, Chính Phủ Hàn Quốc cần tìm cách giải quyết sự bế tắc tại Quốc hội. Bên cạnh đó, để thu hút lao động nước ngoài và tăng cường sự tham gia của lao động nữ, tương tự như ở các nền kinh tế châu Á như Singapore và Hong Kong (Trung Quốc), Hàn Quốc cũng nên cân nhắc cho phép các gia đình Hàn Quốc thuê lao động nhập cư để chăm sóc trẻ em và giúp việc nhà. Bên cạnh đó, các công ty Hàn Quốc cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút nhiều nhân sự nữ hơn. Để tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia lực lượng lao động, các công ty cần phải sẵn sàng điều chỉnh các chiến lược dài hạn về lao động và năng suất. Song song với đó, văn hóa doanh nghiệp cứng nhắc cũng cần được nới lỏng để tạo điều kiện việc làm linh hoạt hơn. Các sáng kiến về làm việc từ xa được thúc đẩy, nếu được thực hiện vĩnh viễn, có thể tạo điều kiện thuận lợi cho những phụ nữ có con nhỏ.

Sự sụt giảm nhanh chóng về nhân khẩu học của Hàn Quốc khiến bình đẳng giới giờ đây không chỉ là một vấn đề mang tính xã hội, mà còn là một thách thức nghiêm trọng đối với tăng trưởng kinh tế dài hạn và năng suất lao động quốc gia. Trong khi những nỗ lực của Nhật Bản trong việc cố gắng thu hẹp khoảng cách về giới tính trên thị trường việc làm nhưng đã trở nên quá muộn màng, và cơ hội để Hàn Quốc chuyển đổi hoàn toàn thị trường lao động vẫn còn rộng mở.

Như Ý

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-cac-nuoc/han-quoc-truoc-bai-toan-ve-nhan-luc-i304666/