Hàn Quốc : Tượng Thiền sư trở thành Di sản quốc gia
Đó là tượng điêu khắc chân dung Thiền sư Huirang Daesa (889-966). Tượng tu sĩ Phật giáo lâu đời nhất xứ sở Kim chi này sẽ được Cơ quan Di sản văn hóa Hàn Quốc chính thức công nhận Di sản cấp quốc gia trong tháng 10 tới đây - thông tin vừa được cập nhật từ The Korea Times.
Bức tượng lần đầu tiên được giới thiệu đến công chúng năm 2018 tại Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc
Pho tượng cao 82cm phủ sơn mài trên chất liệu gỗ, có niên đại vào đầu thế kỷ X. Tác phẩm nghệ thuật này “có ý nghĩa quan trọng đối với nền văn hóa Phật giáo nói riêng và văn hóa, lịch sử Hàn Quốc nói chung”.
Thiền sư Huirang Daesa từng là trụ trì chùa Haeinsa (Hải Ấn tự) - được xây dựng từ năm 802, tọa lạc ở vùng núi thuộc trung tâm bán đảo Hapcheon, tỉnh Nam Gyeongsang. Ngày nay, cổ tự Haeinsa là ngôi chùa đại diện cho Phật giáo Tào Khê Hàn Quốc, cũng là ngôi chùa lớn nhất của truyền thống Phật giáo này. Phật giáo Tào Khê được hình thành vào triều đại Silla thống nhất (668 - 935) và phát triển rực rỡ vào thế kỷ XI.
Với sở học uyên bác, thiền sư từng dạy học và cố vấn cho vua Taejo Wang Geon (877-943), người sáng lập triều đại Goryeo (918 - 1392) và có công hợp nhất bán đảo Hàn Quốc. Tiếp nối vương triều Goryeo là triều đại Joseon (1392 - 1897).
Pho tượng sẽ được chính thức công nhận Di sản Quốc gia vào tháng 10 năm nay
“Hầu hết mọi người nghĩ rằng Goryeo là một vương triều ngắn ngủi nhưng triều đại này tồn tại 474 năm - so với bề dày lịch sử 518 năm của triều đại Joseon. Tuy người dân Hàn Quốc có sự quen thuộc hơn đối với các di sản văn hóa thuộc thời kỳ Joseon; trên thực tế nền văn hóa này chủ yếu được kiến thành từ nền tảng di sản quan trọng của thời kỳ Goryeo” - chia sẻ của Yoo Su-ran, đại diện Ban Tổ chức triển lãm “Triều đại Goryeo: Vinh quang của Hàn Quốc” (Goryeo: Glory of Korea) năm 2018.
Thông qua triển lãm này, 450 hiện vật gồm tranh họa, tượng điêu khắc, các tác phẩm gốm tráng men và thủ công được ra mắt công chúng tại Bảo tàng quốc gia Hàn Quốc - theo Korea Times.
Theo đó, thời kỳ Goryeo chính là mốc son của Phật giáo Hàn Quốc. Đặc biệt vào nửa đầu của triều đại này, sự thực hành Phật giáo và kiến tạo chùa chiền nở rộ khắp xứ sở. “Phật giáo trở thành nhân tố kết nối và là nền tảng cho sự phát triển mạnh mẽ của quốc gia và văn hóa dân tộc. Điển hình là công trình chế tác mộc bản Tam Tạng kinh điển tiếng Hàn - Tripitaka Koreana (trong những năm 1237 - 1248), được khắc trên hơn 80.000 phiến gỗ - như vật phẩm cúng dường cầu nguyện cho sự bình an và hòa bình của đất nước, thoát khỏi những ách nạn và xâm lược ngoại bang. Tuy vậy, trong nửa sau của triều đại này, Phật giáo suy yếu dần do nhiều yếu tố thời đại, trong đó có sự xuất hiện và thống lĩnh của các hệ tư tưởng chống Phật giáo” - chia sẻ của TS.Jinwol Lee, thuộc Phật giáo Tào Khê, nguyên Trưởng khoa Tôn giáo học Đại học Dongguk (Seoul).
Tính đến tháng 5-2020, Hàn Quốc có tổng cộng 327 di sản quốc gia với nhiều di sản Phật giáo các thời kỳ - tất cả đều mang giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật đặc sắc của quốc gia này.
Đăng Minh
(theo The Korea Times, The Buddhist Door)
Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn//phatgiaonuocngoai/2020/09/20/1fd2d3/