Hàn Quốc tuyên chiến với loài rệp sau khi số ca bị cắn tăng vọt
Hàn Quốc đã trở thành quốc gia mới nhất tuyên chiến với loài rệp khi các nhà tắm, ký túc xá đại học và nhà ga trên cả nước được đặt trong tình trạng báo động cao.
30 trường hợp nghi ngờ hoặc xác nhận bị rệp cắn đã được báo cáo kể từ cuối tháng 10, khiến chính phủ phải công bố một chiến dịch kéo dài 4 tuần nhằm tiêu diệt loài côn trùng gây hại hút máu này.
Trước đây, quốc gia này thực tế không có rệp sau các chiến dịch tiêu diệt, chỉ có 9 trường hợp lây nhiễm được báo cáo cho Cơ quan kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) kể từ năm 2014.
Sự trỗi dậy đột ngột của loài gây hại này diễn ra sau các báo cáo về các đợt bùng phát tương tự ở Pháp và Vương quốc Anh cũng như làn sóng gia tăng số ca bị rệp cắn ở Mỹ đang khiến công chúng đưa ra cảnh báo khi mạng xã hội tràn ngập hình ảnh và lời kể về những lần người dân gặp phải loài côn trùng này.
Các công ty kiểm soát sinh vật gây hại cho biết có rất nhiều yêu cầu trợ giúp trong khi một số trang web đã tạo các mục dành riêng cho vấn đề này, cung cấp cho người dùng một nơi để chia sẻ các mẹo về cách đối phó với rệp.
Một người dùng trên một trang web đặt ra câu hỏi: “Tôi có nên vứt bỏ tất cả các thiết bị điện tử nếu phát hiện rệp hay không”, trong khi một người khác thắc mắc: “Nếu tôi dán băng dính hai mặt quanh nệm, liệu điều đó có ngăn được rệp bám vào tôi không?”
Các chuyên gia cho rằng đợt bùng phát hiện nay có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn. Họ tin rằng nguyên nhân gây ra mối lo ngại là do người dân sợ bị kỳ thị nếu bị cắn.
Mặc dù rệp không lây bệnh nhưng tình trạng ngứa do vết cắn của chúng có thể gây mất ngủ và nhiễm trùng da thứ cấp nếu người ta gãi quá mạnh. Bị một trong những loài côn trùng có đường kính dưới 1 cm (0,3 inch) cắn - cũng có thể được coi là hành vi gây xấu hổ về mặt xã hội.
Một quan chức chính phủ giấu tên cho biết: “Tại thời điểm này, vẫn chưa rõ liệu số trường hợp bị rệp cắn có tăng hay không nhưng một số cá nhân có thể ngần ngại báo cáo với chính phủ do lo ngại bị kỳ thị vì lý do vệ sinh”.
Quan chức này đề cập rằng chính phủ hiện đang hợp tác với các công ty kiểm soát sinh vật gây hại tư nhân để có hiểu biết toàn diện hơn về tình hình vì một số cá nhân có thể miễn cưỡng báo cáo trường hợp trực tiếp với chính quyền vì lo ngại những tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh hoặc danh tiếng của họ.
Chính phủ Hàn Quốc lo ngại đến mức đang đẩy nhanh việc nhập khẩu các loại thuốc trừ sâu mới trong trường hợp những loại thuốc trừ sâu hiện có trong nước không đủ mạnh để diệt trừ rệp.
Trong khi đó, các công ty kiểm soát sinh vật gây hại thông tin rằng họ nhận được rất nhiều cuộc điện thoại yêu cầu giúp đỡ.
Tại thủ đô Seoul, chính quyền thành phố đang triển khai “hệ thống quản lý và báo cáo rệp” mới và sáng kiến “Thành phố không có rệp, Seoul”, theo đó, họ cho biết sẽ kiểm tra 3.175 cơ sở lưu trú, nhà tắm và jjimjilbang (phòng tắm hơi kiểu Hàn Quốc với các phòng có nhiệt độ khác nhau).
Theo chính quyền thành phố: “Những cuộc kiểm tra đặc biệt này sẽ tiếp tục trong suốt kỳ nghỉ lễ cuối năm, đặc biệt là ở những khu vực tập trung nhiều nhà ở và nhà tắm, vốn được cư dân nước ngoài ưa chuộng”.
Họ cũng sẽ hỗ trợ kiểm soát dịch hại cho các đơn vị nhà ở nhỏ được gọi là jjokbang hoặc gosiwon, thường có diện tích khoảng 3-6 mét vuông (30-60 feet vuông) và là nơi ở của một số cư dân nghèo nhất Seoul.
Các nơi khác được coi là có nguy cơ cao nhiễm rệp bao gồm tàu điện ngầm và rạp chiếu phim. Chính phủ cho biết chiến dịch của họ sẽ bao gồm việc vệ sinh định kỳ các ghế tàu điện ngầm bằng hơi nước.
Park Yoo-mi, một quan chức y tế cấp cao ở Seoul nói: “Mặc dù rệp không truyền bệnh nhưng chúng là loài gây hại gây khó chịu, dị ứng và gây tổn hại về tâm lý cũng như kinh tế do thói quen hút máu của chúng”.