Hàn Quốc xem xét cải cách lương hưu

Chính phủ Hàn Quốc đang chuẩn bị công bố kế hoạch cải cách lương hưu quốc gia tập trung vào việc ứng phó với tỷ lệ sinh thấp, đảm bảo công bằng giữa các thế hệ và ổn định ngân quỹ tài chính quốc gia.

Theo một quan chức cấp cao tại Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc, trong khi các cải cách tham số (điều chỉnh các thông số của hệ thống lương hưu hiện tại) như tăng tỷ lệ đóng góp có thể trì hoãn việc cạn kiệt quỹ lương hưu từ sáu đến bảy năm, thì các cải cách cơ cấu do Chính phủ đề xuất có thể đẩy lùi mốc thời gian này hơn 30 năm.

Kế hoạch này cải cách của Chính phủ dự kiến sẽ tăng trợ cấp lương hưu cho phụ nữ sinh con và những người phục vụ trong quân đội, thực hiện tăng tỷ lệ đóng góp khác nhau theo thế hệ và đưa ra cơ chế ổn định tài chính tự động.

Dự thảo xem xét tăng lương hưu cơ bản - hiện ở mức khoảng 300.000 Won lên 400.000 Won trong nhiệm kỳ chính phủ hiện tại. Điểm mấu chốt trong kế hoạch cải cách lương hưu lần này là kết hợp với các biện pháp nhằm giải quyết tỷ lệ sinh thấp. Tín dụng thai sản sẽ được tính ngay từ con đầu lòng thay vì con thứ hai như hiện nay và tiếp tục nâng lên thậm chí đến vô thời hạn với các con tiếp theo.

Cơ quan hưu trí Quốc gia (NPS) Hàn Quốc. Ảnh: Getty Images

Cơ quan hưu trí Quốc gia (NPS) Hàn Quốc. Ảnh: Getty Images

Theo hệ thống lương hưu quốc gia hiện tại, quỹ này dự kiến sẽ cạn kiệt vào năm 2055. Vào cuối kỳ họp Quốc hội Khóa XXI, các nhà lập pháp của cả hai đảng đã gần như nhất trí về một đề xuất điều chỉnh tỷ lệ đóng góp lên 13% và tỷ lệ thay thế thu nhập (tỷ lệ phần trăm thu nhập trước khi nghỉ hưu của người lao động mà lương hưu thay thế) lên 44%. Tuy nhiên, chính phủ và đảng cầm quyền lập luận rằng cải cách cơ cấu cũng nên được thảo luận, dẫn đến sự sụp đổ của đề xuất.

Mở rộng tín dụng cho sinh con và nghĩa vụ quân sự là một bước đi đúng hướng. Trong thời điểm tỷ lệ sinh thấp nghiêm trọng, ít công dân có thể phản đối biện pháp này. Việc đưa ra "cơ chế ổn định tài chính tự động" để điều chỉnh mức chi trả lương hưu và tỷ lệ đóng góp dựa trên các biến số xã hội như tỷ lệ sinh và tuổi thọ cũng được coi là một động thái tích cực, đã được một số quốc gia tiên tiến áp dụng. Tuy nhiên, thiết kế của cơ chế này phải xem xét đến những biến động đáng kể tiềm ẩn trong các chế độ phúc lợi hưu trí.

Đề xuất thực hiện tăng tỷ lệ đóng góp khác nhau theo thế hệ cũng đáng cân nhắc để giảm bớt xung đột giữa các thế hệ. Ví dụ, nếu tỷ lệ đóng góp được tăng lên 13%, mức tăng có thể được thực hiện ở mức 1 điểm phần trăm mỗi năm đối với các thế hệ lớn tuổi và 0,5 điểm phần trăm mỗi năm đối với các thế hệ trẻ hơn. Tuy nhiên, cách tiếp cận này chưa từng có trên toàn cầu và có thể xung đột với nguyên tắc bảo hiểm xã hội rằng các cá nhân đóng góp theo khả năng chi trả của họ, do đó Chính phủ cần phải có cách tiếp cận thận trọng.

Vì quỹ hưu trí sẽ cạn kiệt trong vòng chưa đầy 30 năm nữa, nên điều cần thiết là phải đề ra các lựa chọn khác nhau để kéo dài mốc thời gian này. Tuy nhiên, bất kỳ đề xuất nào cũng phải được thiết kế theo cách mà công chúng có thể hiểu và chấp nhận. Vì bất kỳ cải cách nào cũng có khả năng làm tăng đóng góp hoặc giảm phúc lợi, nên việc thuyết phục công chúng sẽ là một thách thức quan trọng.

Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc có kế hoạch trình bày dự thảo kế hoạch cải cách lương hưu này tại cuộc họp chính phủ sớm nhất vào cuối tháng 8 này.

Châu Anh (Theo The Chosun Daily)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/the-gioi-24h/han-quoc-xem-xet-cai-cach-luong-huu-i384717/