Hạn trả lãi trái phiếu cận kề, Evergrande sẽ làm gì?
Bất kỳ khoản vay nào của Evergrande lỡ hẹn cũng sẽ khiến các nhà đầu tư dấy lên quan ngại về nguy cơ một trong những nhà bất động sản lớn nhất Trung Quốc bị sụp đổ.
Trong một báo cáo gửi sàn giao dịch chứng khoán Thâm Quyến, Hengda Real Estate Group – đơn vị bất động sản của tập đoàn Evergrande - khẳng định trong ngày thứ Năm 23/9 sẽ trả một khoản lãi trái phiếu phát hành trong nước. Số trái phiếu này có lãi suất 5,8%, đáo hạn vào tháng 9/2025.
Theo số liệu của Tổ chức tài chính Refinitiv, tổng số tiền lãi trái phiếu mà Hengda Real Estate đã thương thảo để trả trong ngày 23/9 là khoảng 232 triệu NDT, tương đương 35,88 triệu USD. Tuy nhiên, khoản tiền trên chỉ là một trong nhiều khoản lãi trái phiếu mà Evergrande phải thanh toán trong tháng 9.
Các khoản thanh toán trong tháng 9 của Evergrande
Cùng ngày 23/9, Evergrande phải trả 83,5 triệu USD tiền lãi cho một trái phiếu mệnh USD, đáo hạn vào tháng 3/2022. Công ty cũng phải trả một khoản lãi khác trị giá 47,5 triệu USD vào ngày 29/9 tới đây cho trái phiếu đáo hạn vào tháng 9/2024. Ngay cả khi Evergrande không thực hiện trả 83,5 triệu USD hay 47,5 triệu USD vào đúng hẹn, thì công ty vẫn còn một khoảng thời gian 30 ngày kể từ ngày kỳ hạn thanh toán trước khi các trái phiếu này trở thành vỡ nợ.
Vẫn chưa rõ liệu công ty có thực hiện được khoản trả lãi đó hay không. Tuy nhiên, bất kỳ thời hạn thanh toán nào bị lỡ hẹn cũng sẽ khiến các nhà đầu tư dấy lên quan ngại về nguy cơ một trong những nhà bất động sản từng lớn nhất Trung Quốc bị sụp đổ và gây ra những làn sóng tác động sâu sắc lên nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Chính quyền Trung Quốc sẽ can thiệp giúp Evergrande?
Tập đoàn Evergrande đang chìm trong khoản nợ trị giá 305 tỷ USD, được nắm giữ bởi nhiều tổ chức tài chính Trung Quốc, các nhà đầu tư bán lẻ, người mua nhà, các nhà cung cấp trên nhiều lĩnh vực khác nhau như xây dựng, vật liệu và thiết kế. Ngoài ra, các nhà đầu tư nước ngoài cũng nắm giữ một phần khoản nợ của tập đoàn.
Vẫn chưa rõ liệu tập đoàn có thực sự rơi vào vỡ nợ hay không, hay liệu chính quyền Trung Quốc có can thiệp một số sự tái cơ cấu để ngăn chặn những tác động từ khủng hoảng nợ Evergrande lên hệ thống tài chính quốc gia hay không. Những câu hỏi tương tự hiện vẫn được bỏ ngỏ và nhận được nhiều đồn đoán khác nhau.
Vào đầu tuần này, các nhà phân tích của Công ty dịch vụ tài chính S&P Global Ratings đã đưa ra nhận định: “Chúng tôi không kỳ vọng rằng Chính phủ Trung Quốc sẽ trực tiếp vào cuộc để giúp Evergrande, trừ khi hệ thống tài chính quốc gia có nguy cơ bất ổn”.
"Nếu Chính phủ tung ra một gói cứu trợ cho Evergrande, điều đó sẽ làm suy giảm những kỷ luật tài chính trong lĩnh vực bất động sản đang được tăng cường hiện nay".
Thay vì một gói cứu trợ, các nhà phân tích nghiêng về dự báo rằng Chính phủ Trung Quốc sẽ hướng dẫn Evergrande thông qua quy trình tái cơ cấu nợ hoặc thủ tục pháp lý phá sản. Đồng thời Chính phủ còn có khả năng sẽ tạo điều kiện đàm phán để các nhà đầu tư và người mua nhà được bảo vệ quyền lợi nhiều nhất có thể.
Các chuyên gia của Công ty dịch vụ tài chính Macquarie Group cũng cho rằng không có khả năng Evergrande sẽ nhận được gói cứu trợ từ chính quyền: "Chính phủ muốn chắc chắn rằng các căn hộ của Evergrande phải được ưu tiên hoàn thành và bàn giao cho người mua".
Khả năng tiếp tục duy trì các dự án xây dựng không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với sự tồn tại của tập đoàn mà còn đối với 1,5 triệu khách hàng đã trả trước cho các căn hộ chưa được xây dựng. Mặc dù như thế có thể giúp huy động tiền trang trải nợ nần cho Evergrande nhưng các cổ đông và chủ nợ sẽ chịu tổn thất lớn.
Phạm Thu Thanh (theo CNN, World Today News)