Hàn - Triều đối thoại lần đầu sau nhiều tháng cắt liên lạc
Các quan chức Triều Tiên tuyên bố, việc khôi phục các đường dây nóng giữa nước này với Hàn Quốc sau nhiều tháng cắt đứt liên lạc, chính thức bắt đầu từ 9h sáng hôm nay, 4/10.
Theo hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA), động thái "như một phần trong nỗ lực hiện thực hóa kỳ vọng và mong muốn của toàn đất nước về việc sớm khôi phục quan hệ liên Triều hiện nay và đạt thỏa thuận về hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên".
KCNA nhấn mạnh, Seoul cần "ghi nhớ ý nghĩa của việc mở lại các đường dây liên lạc và tích cực nỗ lực để giải quyết các vấn đề đang chờ xử lý nhằm cứu vãn và mở ra triển vọng tươi sáng cho quan hệ liên Triều".
Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc cũng xác nhận, chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ sau thông báo, các quan chức Triều Tiên đã có thể thực hiện cuộc gọi liên lạc đầu tiên với những người đồng cấp ở nước láng giềng. Seoul vẫn giữ quan điểm lạc quan về triển vọng đàm phán với Bình Nhưỡng.
Tuần trước, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã bày tỏ ủng hộ việc tái kích hoạt các đường dây nóng, vốn đã ngưng hoạt động nhiều tháng. Vào thời điểm đó, ông Kim lưu ý rằng động thái này sẽ cho phép công chúng thấy "sự phục hồi của các mối quan hệ song phương từ thế bế tắc hiện tại và thiết lập hòa bình lâu dài trên bán đảo".
Quyết định của ông Kim đã nhận được sự hoan nghênh của Bộ Thống nhất Hàn Quốc.
Theo Sputnik, Bình Nhưỡng chính thức cắt đứt các kênh liên lạc với Seoul vào tháng 6/2020, sau khi lên án nhà chức trách Hàn Quốc đã không ra tay ngăn chặn những người Triều Tiên lưu vong rải truyền đơn chống phá Bình Nhưỡng từ bên kia biên giới. Hai nước láng giềng từng nhất trí cải thiện các đường dây nóng sau khi nối lại hồi tháng 7 vừa qua. Song, phía Triều Tiên một lần nữa đã đình chỉ hoạt động của các kênh liên lạc này chỉ một vài tuần sau đó để phản đối Hàn Quốc tập trận chung thường niên với Mỹ.
Động thái mới nhất diễn ra trong bối cảnh căng thẳng vẫn chưa có dấu hiệu dịu bớt trong 2 tuần trở lại đây, khi các quan chức Triều Tiên cảnh báo về một cuộc khủng hoảng an ninh và cho bắn thử nhiều tên lửa mới, kể cả một tên lửa siêu thanh, một tên lửa hành trình chiến lược có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và một tên lửa phòng không mới.
Dù cáo buộc Mỹ có chính sách thù địch nhưng Bình Nhưỡng khẳng định sẵn sàng hàn gắn quan hệ liên Triều và cân nhắc tổ chức một hội nghị thượng đỉnh tiếp theo với Hàn Quốc nếu Seoul từ bỏ "tiêu chuẩn kép".
Các nhà phân tích nhận định, cách tiếp cận "củ cà rốt và cây gậy" của Triều Tiên có thể nhằm giành được sự công nhận của quốc tế về tư cách quốc gia hạt nhân và gây áp lực buộc Washington và Seoul phải nhượng bộ cũng như hành động nhằm giảm trừ các biện pháp trừng phạt chống lại Bình Nhưỡng.