Hán Tuyên Đế và mối tình điên dại nhất Trung Quốc

Hán Tuyên Đế sẵn sàng giết chết cả một gia tộc đã từng giúp mình lên ngôi vua để trả thù cho người vợ thưở hàn vi của mình...

Hán Tuyên đế - Hứa Hoàng hậu

Hán Tuyên Đế vốn tên là Lưu Bệnh Dĩ (劉病已), sau mới đổi thành Lưu Tuân. Ông là cháu 4 đời của Hán Vũ Đế, ông nội là Lệ thái tử Lưu Cứ (劉據) của Hán Vũ Đế. Cha ông là Lưu Tiến (刘进), con trai của Lệ Thái tử, mẹ ông là Vương Ông Tu (王翁须).

Khi Hán Vũ Đế về già, ông tin dùng hoạn quan Giang Sung (江充). Sung vu hãm mẹ con Vệ hoàng hậu và thái tử Lưu Cứ khiến Lưu Cứ sợ hãi nổi dậy làm loạn không thành và bị giết, đó gọi là án Vu cổ. Cha mẹ Tuyên Đế đều bị giết trong vụ án này. Bên cạnh đó, nhiều người khác gồm 2 chú của Tuyên Đế phải tự sát, Vệ hoàng hậu cũng thắt cổ chết.

Hán Tuyên đế - Hứa Hoàng hậu lấy nhau từ thủa nghèo khổ

Hán Tuyên đế - Hứa Hoàng hậu lấy nhau từ thủa nghèo khổ

Không rõ lý do vì sao mà Lưu Bệnh Dĩ lúc đó được tha, và ông bị bắt vào một nhà lao giam cầm cùng với bà nội ông, Thái tử phi Sử thị, khi đó ông chỉ là một đứa trẻ sơ sinh mới được vài tháng tuổi. Quan coi ngục tên là Bính Cát (丙吉) vốn là thuộc hạ cũ của Thái tử, biết rõ Lệ Thái tử vô tội, đã thương đứa bé và chọn 2 nữ tù nhân tên Hồ Tổ (胡組) và Quách Trưng Khanh (郭徵卿) làm vú nuôi. Bính Cát thường hay ghé nhà lao để coi sóc đứa trẻ. Về sau, có tin đồn xuất hiện điềm thiên tử trong nhà ngục, Hán Vũ Đế đã ra lệnh giết sạch phạm nhân mặc cho đã tuyên án hay không, khi sứ giả đến nhà ngục nơi Bính Cát quản lý, Cát đã cố ngăn lại, và vừa lúc đó Hán Vũ Đế nhận ra lỗi lầm của mình, đã thu hồi mệnh lệnh.

Thấy vậy, Bính Cát đem đứa trẻ và Hồ Thị đi đến Trường An, tìm kiếm nơi nào khác nhận nuôi. Lúc đó Cát đã tìm được mẹ của Thái tử phi là Trinh Quân (貞君) cùng người họ hàng Sử Cung (史恭), Bính Cát đã giao cho Trinh Quân nuôi Bệnh Dĩ hộ. Vài năm sau, Hán Chiêu Đế nghe nói hậu nhân dòng dõi Lệ Thái tử còn sống, bèn cho tìm kiếm và ban chiếu sắc phong Lưu Bệnh Dĩ làm Hoàng trưởng tôn và ra lệnh cho hoạn quan Trương Hạ (張賀) nuôi dưỡng Bệnh Dĩ và cho ăn học tử tế.

Năm 76 TCN, Trương Hạ triệu một hoạn quan dưới quyền là Hứa Quảng Hán (許廣漢) đến gặp mặt và ngỏ ý muốn cưới con gái ông, Hứa Bình Quân cho Lưu Bệnh Dĩ. Mẹ của Hứa Bình Quân rất tức giận và kiên quyết phản đối, nhưng do Quảng Hán không dám trái ý Trương Hạ, bèn ưng thuận. Tiền tổ chức lễ cưới và sính vật đều do Trương Hạ lo liệu. Sau khi cưới, Bệnh Dĩ phụ thuộc hoàn toàn tài chính gia đình vợ, ông được học Tứ thư, Ngũ kinh và tỏ ra là một người có nhạy bén về chính trị. Thỉnh thoảng ông được Hán Chiêu Đế triệu vào chầu. Sau đó ông được sắc phong làm Dương Võ hầu.

Năm 74 TCN, Hán Chiêu Đế băng hà, không có con trai nối dõi nên đại thần phụ chính Hoắc Quang lập Xương Ấp vương Lưu Hạ (劉賀) lên ngôi. Nhưng do Lưu Hạ chơi bời sa đọa, làm nhiều việc vô đạo nên chỉ làm vua 27 ngày thì bị Hoắc Quang cùng quần thần phế truất thông qua việc xin ý chỉ của Thượng Quan thái hậu (Hoàng hậu của Hán Chiêu Đế và là cháu ngoại của Hoắc Quang). Lúc đó, trong triều, có nhiều đại thần cho ý kiến là nên lập người con trai duy nhất còn sống trong số 6 hoàng tử của Hán Vũ Đế, anh trai thứ năm của Hán Chiêu Đế là Quảng Lăng vương Lưu Tư lên kế vị, nhưng do Hoắc Quang không thích vị thân vương này, nên đã quyết định lập Dương Võ hầu Lưu Bệnh Dĩ, khi đó 17 tuổi lên ngôi, trở thành Hán Tuyên Đế trong lịch sử. Ông đổi tên thành Lưu Tuân.

Có 3 lý do chính cho việc Hoắc Quang lập Lưu Tuân lên ngôi:

Thứ nhất là do Lưu Tuân là dòng dõi đích tôn trực hệ của Hán Vũ Đế.

Thứ hai là do Lưu Tuân còn trẻ và chưa có kinh nghiệm chính trị nên Hoắc Quang có thể dễ dàng kiểm soát hoàng đế, thao túng triều chính.

Thứ ba là do Lưu Tuân cũng có quan hệ họ hàng xa với Hoắc Quang (Hoắc Quang và anh trai Hoắc Khứ Bệnh đều là cháu của Vệ hoàng hậu nên cũng chính là họ hàng thân thích với thái tử Lưu Cứ). Đặc biệt, Lưu Tuân còn mang danh phận con rể của Hoắc Quang (lấy Hoắc Thành Quân) nên Hoắc Quang muốn con gái mình sẽ trở thành hoàng hậu tiếp theo của nhà Hán.

Viên quan Hoắc Quang là người đề cử Hán Tuyên đế, nhưng sau này chính ông này đã hại chết Hứa Hoàng hậu và gả con gái của ông cho Hán Tuyên đế. Tuy vậy, tình nghĩa vợ chồng thuở hàn vi cơ cực đã chiến thắng tất cả, Hán Tuyên đế dốc lòng chăm sóc con trai chung với Hứa Hoàng hậu, sau này ông còn giết gia tộc Hoắc Quang để trả thù cho vợ mình. Tấm lòng chung thủy của Hán Tuyên đế đối với hoàng hậu của mình cũng được coi là xưa nay hiếm.

Theo Diệp An/Khỏe & Đẹp

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/han-tuyen-de-va-moi-tinh-dien-dai-nhat-trung-quoc-858429.html