Hàng cau quê nhà
Thuở còn nhỏ, mỗi lần về quê nội, tôi rất thích hàng cau trước nhà nội. Hai hàng cau được trồng thẳng tắp đong đưa trước gió. Quê nhà thật đáng yêu với khung cảnh bình dị như thế đó.
Ngày ấy, cau kiểng loại thấp lùn rất ít thấy, ở nông thôn không ai trồng. Nội tôi cho biết cây cau giống cao như bao đời nay dân ta mới thích trồng vì trái ngon và cho nhiều trái. Thời đó còn nhiều người ăn trầu nên cau bán rất chạy. Mâm trầu cau không thể thiếu trong dịp cưới hỏi. Bạn già tới nhà chơi không thể thiếu miếng trầu mời bạn. “Miếng trầu là đầu câu chuyện”, bà tôi thường hay nói như vậy.
Tôi vẫn còn nhớ nội tôi ngồi chẻ cau tươi để phơi khô. Nội bảo ngay mùa thu hoạch cau ăn không hết chỉ có cách phơi để dự trữ ăn quanh năm. Những gói cau khô được nội tôi làm quà cho những người bạn già. Tình cảm ấy rất chân chất, vô cùng thân thiết.
Cây cau gắn liền với đời sống người nông thôn. Ngoài việc cho trái, khi cây đã lão, người ta có thể đốn cây làm cột nhà, bắc cầu rất tốt. “Cầu khỉ” trong vườn nhà nội tôi toàn sử dụng thân cau già. Cây cau giống như cây dừa, xem ra rất hữu dụng cho người nông dân.
Ra miền Trung chơi, xe đi tới địa phận tỉnh Quảng Nam tôi rất thích vì thấy nông thôn tỉnh này có nhiều nhà trồng cau trước ngõ. Nhìn khung cảnh miền quê êm ả thấy yêu vô vàn non nước thân yêu. Hẳn là những đứa trẻ lớn lên trong khung cảnh như vậy sau này lớn lên có xa quê sẽ rất nhớ hàng cau thân thuộc, một trong những hình bóng của quê nhà. Nông thôn ở miền Trung trồng nhiều cau giống như nông thôn ở miền Tây trồng nhiều dừa. Bạn cho biết, bây giờ cây cau vắng dần trên những con đường quê bởi lợi ích kinh tế không cao. Ngày trước, người già ăn trầu rất nhiều. Nay những người lớn tuổi, người ăn trầu không còn được bao nhiêu. Các gian hàng trầu cau ở các chợ dần dần thu hẹp lại!
Có một dạo, trái cau giá rất cao được tiêu thụ với số lượng lớn. Dân ta thấy vậy rất phấn khởi, có người dự định phá bỏ cây trồng cũ trong vườn để trồng cau! Tuy vậy, có người còn lo ngại sợ không bền. Bởi dân ta có kinh nghiệm về việc này. Trồng cây gì cũng phải mất vài năm mới thu hoạch được, liệu lúc đó có còn hút hàng nữa không? Điều quan trọng phải có thị trường tiêu thụ đa dạng, không thể trông mong vào một thị trường, họ dễ ép giá hay không mua nữa sẽ phá sản như chơi!
Hôm tôi ghé Long An, bạn bảo ở huyện Tân Trụ có con đường dài gần 2km trồng cau vua rất đẹp, thu hút nhiều du khách nên bạn rủ ghé chơi cho biết.Tuyến đường Ông Đồ Nghị ở ấp Tân Thành, xã Đức Tân, hai bên đường trồng khoảng 300 cây cau. Con đường nằm lặng lẽ bên những ruộng lúa, vườn thanh long đem lại những giây phút thật bình yên. Tôi thoáng nghĩ, thay vì trồng cau kiểng, nếu được trồng loại cau truyền thống thường thấy ở nông thôn của Việt Nam sẽ còn thơ mộng hơn nữa.
Đi trên đường cau, tôi nhớ đến mấy câu thơ của nhà thơ Đoàn Văn Cừ trong bài thơ “Tết quê bà”: “Bà tôi ở một túp nhà tre/ Có một hàng cau chạy trước hè/ Một mảnh vườn bên rào giậu nứa/ Xuân về hoa cải nở vàng hoe”.
Hàng cau lộng gió luôn là hình ảnh đẹp của nông thôn Việt Nam. Đó là ký ức của mỗi người con xa quê khi nhớ về quê nhà và mái ấm gia đình yêu dấu với những người thân thuộc.
Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/van-hoa-the-thao/hang-cau-que-nha-49053.html