Hàng chục căn nhà ở Thanh Hóa bị tốc mái, chính quyền hỗ trợ di dời người dân an toàn

Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, đêm ngày 6, rạng sáng 7/9, trên địa bàn các huyện miền núi Thanh Hóa xảy ra mưa, gió lốc mạnh khiến hàng chục căn nhà bị tốc mái, gây thiệt hại nhiều tài sản, hoa màu.

Theo thống kê ban đầu, tại huyện Mường Lát, dông, lốc làm 60 căn nhà bị tốc mái, 4 nhà dân bị cây đổ vào nhà và sạt lở móng, nhiều hoa màu bị đổ...

Công an xã Pù Nhi, huyện Mường Lát giúp dân khắc phục hậu quả do bão.

Công an xã Pù Nhi, huyện Mường Lát giúp dân khắc phục hậu quả do bão.

UBND huyện Mường Lát huy động nhiều lực lượng hỗ trợ những gia đình bị thiệt hại khắc phục hậu quả, sơ tán người dân đến nơi an toàn trước khi bão số 3 đổ bộ vào đất liền.

Đồn Biên phòng Cửa khẩu Tén Tằn cử cán bộ, chiến sĩ xuống địa bàn hỗ trợ nhân dân.

Đồn Biên phòng Cửa khẩu Tén Tằn cử cán bộ, chiến sĩ xuống địa bàn hỗ trợ nhân dân.

Tại huyện Quan Sơn, dông lốc làm tốc mái 20 ngôi nhà ở các xã Na Mèo, Mường Mìn, Sơn Điện, Tam Thanh. Chính quyền địa phương tổ chức lực lượng di dời khẩn cấp các hộ dân bị ảnh hưởng đến nơi ở an toàn.

Dông lốc còn làm đổ rạp khoảng 50ha lúa ở các xã trên. Hầu hết diện tích lúa này chưa thể thu hoạch. Ngoài ra, nhiều cây xanh, cột điện ở khu vực các xã này cũng bị gió lốc làm gãy đổ. Một cột tiếp sóng viễn thông ở xã Sơn Điện cũng bị gãy đổ, không thể sửa chữa.

Một phụ nữ ở xã Tam Thanh phải nhập viện cấp cứu do bị cây gãy đổ đè lên người. Hiện tại sức khỏe của người phụ nữ này đang dần ổn định.

Cột tiếp sóng viễn thông ở xã Sơn Điện bị gãy đổ.

Cột tiếp sóng viễn thông ở xã Sơn Điện bị gãy đổ.

Tại huyện Lang Chánh, theo thống kê sơ bộ có 5 ngôi nhà bị tốc mái. Có khoảng 120 hộ dân với gần 500 nhân khẩu ở hai xã Yên Nhân và Bát Mọt, huyện Thường Xuân được di dời đến nhà văn hóa, trường học, đảm bảo an toàn trước khi bão đổ bộ vào đất liền.

Chuẩn bị các phương án tại chỗ để ứng phó với tình huống khẩn cấp xảy ra.

Chuẩn bị các phương án tại chỗ để ứng phó với tình huống khẩn cấp xảy ra.

Bộ CHQS tỉnh huy động 1.150 bộ đội thường trực, 16.500 chiến sĩ dân quân tự vệ cùng phương tiện, cơ sở vật chất hậu cần, kỹ thuật và nhiều trang bị cứu hộ cứu nạn khác sẵn sàng cơ động ứng phó các tình huống do bão Yagi gây ra.

Cắm biển cảnh báo tại các khu vực sạt lở.

Cắm biển cảnh báo tại các khu vực sạt lở.

Bên cạnh đó, hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị đứng chân trên địa bàn như Sư đoàn 324, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 5 (Quân khu 4), Sư đoàn 341 (Quân khu 1) để sẵn sàng cơ động làm nhiệm vụ khi có lệnh.

Ngọc Hưng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/hang-chuc-can-nha-o-cac-huyen-mien-nui-thanh-hoa-bi-toc-mai-169240907140456754.htm