Hàng chục cầu dân sinh xuống cấp, đổ sập bất kỳ lúc nào

Hàng chục cầu treo dân sinh tại Kon Tum đã có dấu hiệu hư hỏng, nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào khiến người dân bất an mỗi khi đi qua, đặc biệt trong mùa mưa lũ.

Ngày 14/9, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Kon Tum cho biết, đã có tổng hợp số cầu treo trong tình trạng xuống cấp, hư hỏng nặng.

Kon Tum có khoảng 29 cầu treo trong tình trạng xuống cấp, hư hỏng nặng

Kon Tum có khoảng 29 cầu treo trong tình trạng xuống cấp, hư hỏng nặng

Theo đó, tỉnh Kon Tum có khoảng 227 cầu nông thôn như cầu treo, cầu dân sinh. Trong đó, 95 cây cầu chưa đảm bảo kết cấu bê tông cốt thép và 29 cầu treo trong tình trạng xuống cấp, hư hỏng nặng.

Chỉ tính riêng huyện Đăk Glei (Kon Tum) đang có 76 cầu treo thì có đến 16 cầu đang trong tình trạng xuống cấp. Huyện Đăk Tô (Kon Tum) có 5 cầu xuống cấp trong tổng số 17 cầu treo.

Cầu treo tự phát được dựng bằng tre tại thôn Đăk Tăng (xã Ngọk Tụ, huyện Đăk Tô) ẩn chứa nhiều nguy hiểm

Cầu treo tự phát được dựng bằng tre tại thôn Đăk Tăng (xã Ngọk Tụ, huyện Đăk Tô) ẩn chứa nhiều nguy hiểm

Để có thể thuận tiện đi lại, vận chuyển hàng hóa, nông sản, người dân ở nhiều nơi đã dựng tạm cầu bắc ngang qua sông, suối. Tuy nhiên vì nguồn vốn thấp, các cây cầu treo của người dân chủ yếu được làm chủ yếu từ tre, gỗ nối bằng sợi dây thép. Điều này gây mất an toàn cho người dân và các phương tiện di chuyển trên các cây cầu tạm bợ.

Các điểm nối chân cầu tạm bợ bằng dây thép

Các điểm nối chân cầu tạm bợ bằng dây thép

Theo ghi nhận của phóng viên, cây cầu treo nối thôn Đăk Tăng (xã Ngọk Tụ, huyện Đăk Tô) với khu sản xuất bên kia suối đã bị hư hỏng từ nhiều năm trước. Đây là cây cầu được người dân góp tiền, chung tay dựng lên từ hàng nghìn cây tre tự chặt trong rừng để đóng, ghép lại. Tuy nhiên, hiện tại cây cầu đã xuống cấp trầm trọng, người dân phải lội qua suối để đến khu canh tác.

Cây cầu treo tự phát do dân làm, nhưng đã bị gãy do mùa mưa lũ trước

Cây cầu treo tự phát do dân làm, nhưng đã bị gãy do mùa mưa lũ trước

Ông A Giáo (67 tuổi, trú thôn Đăk Tăng) chia sẻ: “Nhà tôi có gần 1ha trồng cà phê ở phía bên kia cầu. Cách đây vài trăm mét có một cây cầu treo tự phát do dân làm, nhưng đã bị gãy từ mùa mưa lũ trước. Vì thấy tình hình đi lại khó khăn, nên tháng 12 năm ngoái bà con đã huy động quyên góp dựng tạm cầu tre. Có khoảng 50 hộ quyên góp, mỗi hộ tầm 200.000 đồng để dựng tạm cầu chủ yếu bằng vật liệu gỗ, tre, nứa”.

Những cây cầu tự phát ẩn chứa nhiều rủi ro, nguy hiểm đối với phương tiện và tính mạng của người dân. Hiện các địa phương đã lên phương án sửa chữa, nâng cấp các cây cầu treo, dân sinh hư hỏng để phục vụ việc đi lại, canh tác, đảm bảo an toàn cho người dân khi mùa mưa bão đang đến.

Nguyên Lê

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/hang-chuc-cau-dan-sinh-xuong-cap-do-sap-bat-ky-luc-nao-post1672940.tpo