Hàng chục cây xăng ở Đắk Lắk ngưng hoạt động do nguồn cung hạn chế
Đến thời điểm này tại tỉnh Đắk Lắk đã có 18 cửa hàng tạm thời ngừng kinh doanh do hết hàng, ngoài ra còn có 32 cửa hàng hoạt động cầm chừng khi chỉ bán xăng hoặc dầu.
Những ngày gần đây, hàng chục cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã tạm ngưng hoạt động hoặc kinh doanh cầm chừng. Nguyên nhân của tình trạng này là do nguồn cung hạn chế hoặc do chiết khấu phần trăm thấp từ đơn vị cung ứng khiến việc kinh doanh của DN thua lỗ. Ngành chức năng địa phương đang tích cực kiểm tra, giám sát, nếu phát hiện DN nào găm hàng chờ giá lên mới bán sẽ xử lý nghiêm; đồng thời kiến nghị Bộ Công Thương, Tài chính có giải pháp hỗ trợ các DN.
Bà Lê Thiện Mỹ, trú phường Thống Nhất, thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk) là chủ 2 DN chuyên bán lẻ xăng dầu và cung cấp sỉ cho chuỗi cửa hàng ở Thị xã Buôn Hồ, các huyện Cư M’gar, Cư Kuin, Ea H’leo và 1 phần TP Buôn Ma Thuột. Sản lượng bán ra thị trường mỗi năm của 2 DN này khoảng 6 triệu lít xăng, dầu.
Theo bà Lê Thiện Mỹ, vài ngày qua các cây xăng Hồng Quý 1 và Hồng Quý 2 của DN ở Thị xã Buôn Hồ phải hoạt động cầm chừng bán buổi sáng, buổi chiều tạm nghỉ do hết hàng; còn chuỗi 9 cửa hàng nhận phân phối sỉ nhiều cây chỉ bán xăng hoặc dầu. Tình trạng khan nguồn cung như hiện nay chưa từng xảy ra trong vòng 15 năm qua. Hiện nay dù kinh doanh không có lãi, nhưng để giữ khách hàng, DN vẫn nhập hàng về bán. Tuy nhiên, do nguồn cung không nhiều nên đành chịu, nhập sao bán vậy.
“Hiện tại trong hệ thống 11 cây xăng dầu của DN đang thiếu hàng cục bộ, có nơi thiếu xăng, nơi thiếu dầu. Hàng về có nào DN bán vậy, xăng dầu về nhỏ giọt nên phải bán nhỏ giọt. Nguyên nhân là do DN phân phối chỉ được mua hàng được các đầu mối và các đầu mối thì cũng bán nhỏ giọt. Đơn cử DN đặt mua ở kho Vũng Rô (Phú Yên) 1 xe 22.000 lít nhưng họ chỉ bán 4.000 lít; đặt mua ở kho Ba Ngòi (Khánh Hòa) 1 xe 22.000 lít cũng chỉ được mua 2.000 lít xăng; đặt mua ở kho Thanh Lễ (Bình Dương) 22.000 lít, kho này cũng chỉ bán cho 1 nửa, tức 10.000 lít xăng…”, bà Lê Thiện Mỹ giãi bày.
Toàn tỉnh Đắk Lắk hiện có 476 cửa hàng kinh doanh xăng dầu hoạt động. Đến thời điểm này, tại tỉnh đã có 18 cửa hàng tạm thời ngừng kinh doanh do hết hàng; ngoài ra còn có 32 cửa hàng hoạt động cầm chừng khi chỉ bán xăng hoặc dầu. Những cửa hàng xăng dầu tạm ngưng hoạt động hay hoạt động cầm chừng tập trung chủ yếu ở các huyện Krông Năng, Krông Búk, Ea H’leo, Cư M’gar, Thị xã Buôn Hồ và ở TP Buôn Ma Thuột.
Ông Vương Minh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường tỉnh Đắk Lắk cho biết, qua kiểm tra phát hiện nhiều cửa hàng xăng dầu ở Đắk Lắk đang gặp phải tình trạng nguồn cung bị gián đoạn, nhiều DN buộc phải tạm đóng cửa hoặc kinh doanh cầm chừng. Một số ít tạm dừng vì kinh doanh không có lãi do chiết khấu phần trăm ở đơn vị cung cấp quá thấp. Hoàn toàn không có chuyện các DN gian lận cố tình găm hàng chờ giá lên mới bán.
“Lực lượng Quản lý Thị trường đã kiểm tra, giám sát tại tất cả các cây xăng dầu trên địa bàn toàn tỉnh. Qua công tác kiểm tra, nắm bắt tình hình, tình trạng ghim hàng đóng cửa là không có, đa số là bị đứt nguồn cung nên họ đành phải tạm ngưng kinh doanh. Trong số 18 cửa hàng ngưng hoạt động, họ đã báo cáo lại và cam kết là trong vài ngày tới khi nhận được hàng cung sẽ tiếp tục mở bán”, ông Vương Minh Sơn khẳng định.
Theo Sở Công Thương Đắk Lắk, trước thực trạng khan hiếm nguồn cung ứng xăng dầu trên địa bàn tỉnh, để hỗ trợ các DN, Sở đã có Công văn kiến nghị liên Bộ Công Thương – Tài chính xem xét tính toán lại giá cơ sở và các yếu tố hình thành giá từ các nguồn xăng dầu sản xuất trong nước, nhập khẩu; làm căn cứ để xác định giá điều hành và quy định thêm mức chiết khấu hoa hồng (cố định) cho các DN nhỏ, từ đó quyết định giá bán lẻ xăng dầu trong nước.
Đồng thời, đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo các DN đầu mối nhập khẩu xăng dầu, chủ động thực hiện các giải pháp hay kế hoạch nhập khẩu xăng dầu, phân phối hàng để không xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung cho các DN thứ cấp và các cửa hàng bán lẻ, nhằm đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong thời gian tới./.