Hàng chục cây xanh bị cắt trụi ở TP.HCM
Hàng cây bàng ở quận 8 bị cắt trụi, chỉ còn mỗi thân cây. Nhiều người dân tỏ ra tiếc nuối khi việc cắt cây làm giảm đi bóng mát, khiến bộ mặt khu phố nhếch nhác.
Trưa 20/10, ghi nhận của Zing, hàng chục cây bàng cao hơn 10 m nằm trên đường 751 Tạ Quang Bửu (quận 8), cạnh khuôn viên chung cư Investco đã bị cắt trụi lá, cành. Những cây này chỉ còn lại phần thân, bao quanh hai phía của khu chung cư.
Hàng cây bàng có tuổi đời hơn chục năm, nằm trong công viên và đối diện nhiều cửa hàng ăn uống. Theo phản ánh của người dân, việc cắt trụi cây không chỉ ảnh hưởng đến bộ mặt khu phố, còn khiến cho khu vui chơi thiếu đi bóng mát.
Tiếc nuối
Nhìn hàng cây bị cắt trụi, anh Quốc Sơn (trú tại cư xá Nam Hải) tiếc nuối. Anh kinh doanh cửa hàng đồ ăn trên đường Tạ Quang Bửu, đối diện với hàng cây bàng. Anh cho biết hàng cây giúp chắn nắng nên vào mùa hè, cửa hàng hầu như không cần dùng đến mái che. Khách đến quán lúc nào cũng cảm thấy mát mẻ, dễ chịu.
"Hàng cây bị chặt từ khoảng nửa tháng trước. Chúng cao lắm, có cây cao hơn cả tòa nhà 5 tầng. Tôi đồng ý là cần phải tỉa bớt lá cành cho an toàn, nhưng chỉ cắt phần trên thôi, nên chừa lại phần chồi lộc phía dưới cho cây sinh trưởng thêm", anh Quốc Sơn nói.
Người đàn ông cho biết gia đình bị ảnh hưởng rất nhiều khi hàng cây bị cắt trụi đi. Không chỉ giúp che nắng cho cửa hàng, hàng cây bị cắt cũng giảm việc điều hòa làm mát vào mùa hè.
"Cây cắt trụi nhìn không khác gì cột điện. Khách vào quán ai cũng thấy xấu, hỏi thăm suốt. Không biết đến mùa hè năm sau, cây đã phát triển trở lại chưa", anh Sơn bày tỏ.
Trong khi đó, bà Hồng (47 tuổi) kinh doanh đồ uống trên đường Tạ Quang Bửu cũng trăn trở khi nhìn hàng cây bàng đối diện hiện tại. Theo bà, hàng cây vốn tạo cảnh quan cho quán nhưng hiện tại nhìn khung cảnh lại trông thiếu sức sống.
"Đợt cắt cây phải làm mấy ngày mới xong. Cây cao lớn nên tạo được bóng mát cho người dân đi tập thể dục. Cây không còn cành lá, tôi sợ chúng không sống nổi", người phụ nữ 47 tuổi cho biết.
Không nên cắt trụi cây
Trao đổi với Zing, lãnh đạo UBND quận 8 cho biết hàng cây bàng ở đường 751 Tạ Quang Bửu là do chủ đầu tư công ty Investco quản lý, chưa bàn giao cho quận.
Việc cắt tỉa cây xanh là do chủ đầu tư muốn đề phòng trong mùa mưa bão, cây có thể đổ gãy gây tai nạn cho người xung quanh. Chủ đầu tư thuê đơn vị bên ngoài cắt cây, tuy nhiên làm "lố tay" dẫn đến việc cây nhìn trơ trọi.
Hiện tại, phòng quản lý đô thị quận 8 đã rà soát, lên phương án xử lý. "Trước đó, từng có người dân khi đi qua đây bị ảnh hưởng của cây đè, ngã té xuống đường", lãnh đạo UBND quận 8 thông tin thêm.
PGS.TS Đặng Văn Hà, Viện trưởng Kiến trúc Cảnh quan và Cây xanh đô thị, Đại học Lâm nghiệp, cho rằng việc cắt tỉa, hạ tán trụi cây, chỉ còn trơ phần thân, là không đúng kỹ thuật, có thể dẫn đến lợi bất cập hại.
Việc cắt tỉa cây chỉ nên theo hướng tỉa thưa, không nên cắt trụi. Cắt trụi cây thích hợp hơn với mục đích đào cây lên để di chuyển qua nơi khác.
Trong các đô thị, việc cắt tỉa, hạ tán cây xanh phải làm định kỳ hàng năm (đối với cây cổ thụ) hoặc 2-3 năm một lần (đối với cây đang phát triển ổn định). Nếu cắt tỉa cây không đúng cách, có thể dẫn đến nhiều cành cây bị hỏng.
"Khi cây xanh bị cắt trụi lá và cành, tất yếu sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển của cây. Việc cắt tỉa cây phải chọn theo mùa, không nên cắt vào quãng thời gian cây ngừng sinh trưởng. Thay vào đó, nên cắt vào đầu mùa sinh trưởng thì cây mới có thể nhanh chóng ra chồi mới được", ông Hà cho biết.
Theo PGS.TS Đặng Văn Hà, mục đích của việc cắt tỉa giúp cây sinh trưởng cân đối, cành lá nhận đủ ánh sáng. Ngoài ra, điều quan trọng là để hạn chế nguy hiểm trong mùa mưa bão. Bởi khi mưa bão nhiều, nước đọng lại trên cành lá, cộng thêm sức gió sẽ dễ khiến cành tự gãy.
Ông Hà cho biết ở Việt Nam vẫn chưa có tiêu chuẩn chính thức cho việc cắt tỉa cây. Người cắt tỉa cây đa phần làm theo kinh nghiệm của bản thân. Tuy nhiên để làm đúng chuyên môn, đòi hỏi người cắt tỉa cây phải có nhiều kiến thức. Việc cắt tỉa cây phải làm có định hướng sao cho chồi mới vẫn mọc được, tránh trường hợp xấu nhất là để cây chết.
"Với những cây đang trong giai đoạn ổn định, sự phát triển cành, nhánh không mạnh lắm thì không nhất thiết năm nào cũng tỉa cành, cắt nhánh. Những cây đã lâu năm, đường kính thân khoảng 50-60 cm nhưng chưa phát sinh vấn đề, chúng ta nên làm giá đỡ đề phòng nguy cơ ngã, đổ bất ngờ; đồng thời theo dõi, cắt tỉa cành nhánh cho phù hợp", ông Hà thông tin thêm.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hang-chuc-cay-xanh-bi-cat-trui-o-tphcm-post1367204.html