Hàng chục dự án ở Bình Thuận xếp hàng vào Quy hoạch điện VIII
Mới đây, tỉnh Bình Thuận đã kiến nghị Bộ Công thương bổ sung 75 dự án năng lượng vào Quy hoạch điện VIII.
Với định hướng phát triển ngành công nghiệp năng lượng của địa phương thời gian tới, tỉnh Bình Thuận đang xúc tiến các dự án năng lượng tái tạo để bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 (gọi tắt là Quy hoạch điện VIII).
Trong buổi làm việc với Bộ Công thương, tỉnh này đã đề cập tới việc bổ sung các dự án năng lượng của Bình Thuận vào Quy hoạch điện VIII. Cụ thể, đối với các dự án điện gió, đã có 11 dự án điện gió được UBND tỉnh và nhà đầu tư đề xuất, trình Bộ Công thương và Thủ tướng xem xét.
Trong đó, các dự án điện gió tỉnh Bình Thuận đề xuất đưa vào Quy hoạch điện VIII gồm 3 dự án trên đất liền và 8 dự án ngoài khơi. 3 dự án trên đất liền gồm: dự án điện gió Bình Thuận (Hòa Thắng 2.2), dự án Nhà máy điện gió Hồng Phong 3.1 (46,2MW) và Hồng Phong 3.2 (46,2MW).
8 dự án ngoài khơi gồm: dự án điện gió ngoài khơi Thăng Long Wind (Quy mô công suất dự kiến đầu tư 3.400MW), dự án điện gió ngoài khơi La Gàn (3.500MW), dự án điện gió ngoài khơi Bình Thuận (5.000MW), dự án điện gió ngoài khơi Hàm Thuận Nam (900MW), dự án điện gió ngoài khơi Biển Cổ Thạch (2.000MW), dự án điện gió ngoài khơi Vĩnh Phong (1.000 MW), dự án điện gió ngoài khơi AMI AC tỉnh Bình Thuận (1.800 MW) và dự án điện gió ngoài khơi Tuy Phong (4.600 MW).
Về phần các dự án điện mặt trời, đã có 62 trường hợp được UBND tỉnh này trình Bộ Công thương thẩm định bổ sung Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh, bổ sung vào đồng bộ Quy hoạch phát triển điện mặt trời quốc gia, với tổng công suất 3.371MW.
Trong 62 dự án điện mặt trời này, Bộ Công thương đã tổ chức họp thẩm định bổ sung Quy hoạch phát triển điện lực, hoàn thành lấy ý kiến các đơn vị liên quan 15 dự án, với tổng công suất 759MW (tương đương 949MWp). Do vậy, tỉnh Bình Thuận đề nghị Bộ Công thương xem xét ưu tiên đưa các dự án điện mặt trời vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.
Riêng đối với dự án điện khí LNG mũi Kê Gà (công suất đề xuất 3.600MW, với tổng vốn đầu tư 4,2 tỷ USD), UBND tỉnh đã có văn bản gửi Thủ tướng và Bộ Công thương đề nghị xem xét chủ trương bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.
Được biết, cuối quý I/2020, tỉnh này đã có một số kiến nghị liên quan tới Thủ tướng và Bộ Công thương. Cụ thể, tỉnh Bình Thuận đề nghị cho phép các dự án điện mặt trời, điện gió trên địa bàn hiện đang nằm trong vùng Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan và vùng quy hoạch dự trữ khoáng sản titan được triển khai đầu tư xây dựng.
Đồng thời, tỉnh đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Công thương sớm thẩm định, trình Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh ra khỏi vùng Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sửdụng quặng titan và vùng quy hoạch dự trữ khoáng sản titan.