Hàng chục ngàn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng

Qua 10 năm (2014 - 2024) tỉnh triển khai công tác đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt nhiều kết quả tích cực. Qua đó, tạo điều kiện cho người lao động của địa phương có việc làm ổn định, thu nhập cao, xây dựng tác phong công nghiệp, hiện đại, học hỏi những kỹ năng, nghề nghiệp của các nước tiên tiến. Đồng thời đáp ứng với kỳ vọng của các cấp lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ về chủ trương 'Đi làm thuê - về làm chủ' đối với nguồn nhân lực nói trên.

Quang cảnh Hội thảo “Phát huy nguồn nhân lực đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng”

Quang cảnh Hội thảo “Phát huy nguồn nhân lực đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng”

Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ người lao động

Từ năm 2014 đến nay, công tác đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng được các cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng, huyện, thành phố trong tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện phát huy hiệu quả. Trong đó, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành 13 văn bản theo thẩm quyền, đặc biệt đã 6 lần ban hành mới hoặc sửa đổi bổ sung, thay thế 6 Nghị quyết quy định về chính sách hỗ trợ cho người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, bảo đảm phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội, cũng như thực tiễn của địa phương trong từng thời kỳ, từng giai đoạn. Ngoài ra, UBND tỉnh và các sở, ban, ngành tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành, triển khai công tác đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.

Tỉnh đã xây dựng và ban hành chính sách hỗ trợ theo từng giai đoạn phù hợp, ngoài chính sách hỗ trợ của Trung ương, hiện nay, tỉnh đang áp dụng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 51 ngày 10/12/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh. Trong đó, hỗ trợ các chính sách đào tạo nghề, học ngoại ngữ, giáo dục định hướng và khám sức khỏe cho người lao động, với mức tối đa gần 8 triệu đồng/lao động.

Chính sách hỗ trợ cho vay vốn tín chấp từ nguồn vốn ủy thác của tỉnh qua hệ thống Ngân hàng Chính sách Xã hội trên địa bàn với mức lãi suất thấp. Tùy theo thị trường tiếp nhận lao động và đối tượng thụ hưởng, người lao động sẽ được vay vốn mức thấp nhất là 90% chi phí đi làm việc ở nước ngoài. Tính từ năm 2014 đến nay, toàn tỉnh có gần 9.000 lao động vay vốn từ hệ thống Ngân hàng Chính sách Xã hội, với tổng doanh số cho vay gần 690 tỷ đồng.

Ngoài chính sách hỗ trợ cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích lao động sau khi hết hạn hợp đồng về nước khởi nghiệp tại tỉnh như: chính sách tiếp cận, hỗ trợ tín dụng khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; chính sách phát triển ngành nghề nông thôn...

Người lao động (bên phải) tham gia phiên Giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) tổ chức

Người lao động (bên phải) tham gia phiên Giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) tổ chức

Song song đó, các sở, ban, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, huyện, thành phố lồng ghép chương trình đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng trở thành nhiệm vụ chính trị quan trọng từng năm và giai đoạn. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, nhất là các chính sách hỗ trợ cho người dân, người lao động có việc làm ổn định, thu nhập cao, nâng cao chất lượng nguồn lao động, quảng bá hình ảnh địa phương ra nước ngoài.

Hàng năm, Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) tổ chức nhiều phiên Giao dịch việc làm để kết nối lao động với các doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Đồng Tháp và các phương tiện truyền thông định kỳ hàng tuần, hàng tháng xây dựng chuyên trang, chuyên mục, phóng sự về công tác đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Thông qua công tác tuyên truyền, vận động, người lao động tích cực đăng ký đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.

Sau khi hết hợp đồng lao động ở nước ngoài trở về nước, anh Trần Thanh Hóa (ngụ xã Bình Hàng Tây, huyện Cao Lãnh) mở cửa hàng bán công cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp tại địa phương

Sau khi hết hợp đồng lao động ở nước ngoài trở về nước, anh Trần Thanh Hóa (ngụ xã Bình Hàng Tây, huyện Cao Lãnh) mở cửa hàng bán công cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp tại địa phương

Hơn 15.400 lao động xuất cảnh làm việc có thời hạn ở nước ngoài

Trên cơ sở chủ trương, quyết tâm của tỉnh về đẩy mạnh công tác đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Kể từ năm 2014 đến nay, toàn tỉnh đã đưa 15.400 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng (trong đó có 6.699 lao động nữ), lao động tham gia làm việc tập trung nhiều nhất là thị trường Nhật Bản, với 11.702 người (chiếm 76%); Đài Loan 1.944 người (chiếm 13%); Hàn Quốc 1.184 người (chiếm 8%); còn lại là các thị trường khác. Số lao động làm việc ở nước ngoài gia tăng đáng kể theo từng năm; nhiều lao động sau khi hoàn thành hết hợp đồng làm việc có thời hạn ở nước ngoài, tiếp tục trở lại làm việc hoặc nhiều lao động sau khi hết hạn hợp đồng trở về nước tiếp tục khởi nghiệp bằng việc thành lập cơ sở sản xuất, kinh doanh, mua bán... để phát triển kinh tế gia đình.

Anh Trần Thanh Hóa ngụ xã Bình Hàng Tây, huyện Cao Lãnh, cho biết: “Trong thời gian tham gia lao động ở Hàn Quốc, bản thân gặp nhiều khó khăn, dù vất vả nhưng tôi không nản lòng, quyết tâm học hỏi và tích cực làm việc, nhất là tận dụng thời gian để làm thêm giờ, nhờ vậy mà có tích lũy gửi về cho gia đình. Hết thời gian lao động, tôi trở về quê nhà, với kinh nghiệm nhiều năm làm việc liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp ở Hàn Quốc, nên tôi quyết định mở cửa hàng bán công cụ nông nghiệp và điện dân dụng tại chợ xã Bình Hàng Tây, nhờ đó có tích lũy khá...”. Hay, anh Trần Minh Đạo (TP Sa Đéc) có việc làm, thu nhập ổn định với Khu du lịch sinh thái Sa Nhiên Garden Sa Đéc; anh Hoàng Đình Hưng (huyện Tam Nông) với Cơ sở nuôi và sản xuất yến sào Tràm Chim. Các mô hình kinh doanh của lao động, đi làm việc ở nước ngoài đạt hiệu quả, thu nhập ổn định, đồng thời tạo việc làm cho người dân địa phương.

Phần lớn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng có thời gian làm việc là 3, tổng số tiền tích lũy sau 3 năm làm việc tại Nhật Bản và Hàn Quốc từ 600 triệu - 800 triệu đồng/người. Với mức thu nhập bình quân hàng tháng khoảng 27 triệu - 35 triệu đồng, trừ các khoản chi phí cần thiết, mỗi tháng, người lao động gửi về gia đình từ 20 triệu - 25 triệu đồng. Riêng đối với lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc, tổng thu nhập từ hơn 90 triệu đồng đến hơn 200 triệu đồng/người (sau khi trừ chi phí). Bình quân mỗi năm, tổng số tiền người lao động Đồng Tháp gửi về gia đình khoảng 1.000 tỷ đồng, góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo; 100% gia đình thuộc hộ nghèo, cận nghèo có người đi làm việc ở nước ngoài đã thoát nghèo bền vững, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm sâu còn 1,51% cuối năm 2023 và ước còn khoảng 1,11% vào cuối năm 2024.

DŨNG CHINH

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/xa-hoi/hang-chuc-ngan-lao-dong-di-lam-viec-co-thoi-han-o-nuoc-ngoai-theo-hop-dong-126992.aspx