Hàng chục nghìn người dành 9 tiếng xem liveshow của idol ảo
Người hâm mộ bật khóc trước màn trình diễn của thần tượng ảo. Họ cũng sẵn sàng bỏ tiền để mua vé xem liveshow, tặng quà và trở thành 'fan cứng' của idol.
Ca sĩ nhạc pop tuổi teen Amy đã giành chiến thắng trong cuộc thi tìm kiếm tài năng ca hát ở Trung Quốc vào ngày 19/12 vừa qua, sau khi biểu diễn trước ba giám khảo nổi tiếng và hàng chục triệu người xem trực tuyến.
Tuy nhiên, Amy chỉ tồn tại trong thế giới kỹ thuật số hay nói chính xác cô ca sĩ tóc đỏ này chỉ là một thần tượng ảo.
Liu Jun, một fan của Amy ngay từ những ngày đầu, cho biết anh đã khóc khi chứng kiến khoảnh khắc nữ thần tượng giành chiến thắng cuối cùng trong cuộc thi.
Liu (28 tuổi), người đã tham dự hơn 10 buổi hòa nhạc và sự kiện dành cho người hâm mộ của Amy trong những năm gần đây, cho biết: “Bạn không thể thấy họ như thế nào trong cuộc sống thực, vì vậy bạn có nhiều tưởng tượng hơn về họ”.
“Thần tượng ảo sẽ không thể bị phá hủy - miễn là hình ảnh vẫn còn đó, cô ấy có thể ở trong trái tim bạn mãi mãi,” anh ấy nói thêm.
Khi thần tượng ảo bước vào thế giới thực
Amy nổi tiếng trên Dimension Nova, đây được coi là chương trình tài năng đầu tiên trên thế giới quy tụ thí sinh là những người biểu diễn kỹ thuật số và các giám khảo là người nổi tiếng ngoài đời thực.
Tại một trong những sự kiện dành cho fan của Amy, Liu và những người hâm mộ khác đã trò chuyện với nữ thần tượng qua một màn hình cao 2 m. Một máy in gắn trên màn hình để các fan có thể nhận “chữ ký” của Amy.
Mặc dù khái niệm thần tượng ảo bắt nguồn từ Nhật Bản, những người biểu diễn kỹ thuật số như Amy ngày càng phổ biến ở Trung Quốc khi phủ sóng từ các show truyền hình, bảng quảng cáo cho đến các chương trình tin tức.
Một nghiên cứu từ iQiyi ước tính các thần tượng ảo đang có hơn 390 triệu khán giả trên toàn quốc.
Nhà sản xuất điều hành chương trình Dimension Nova Liu Jiachao cho biết: “Ý tưởng thực hiện chương trình tài năng này là để cho mọi người biết rằng các thần tượng ảo có thể xuất hiện trong thế giới thực của chúng ta”.
Các ngôi sao ảo trong chương trình được tạo ra bởi sự kết hợp giữa hoạt hình máy tính và diễn viên. Quần áo, kiểu tóc và ngoại hình của Amy được tạo ra bởi các nhà làm phim hoạt hình, trước khi diễn viên thật đảm nhận mọi thứ khác từ giọng hát cho đến tương tác với người hâm mộ.
Công nghệ ghi lại chuyển động theo thời gian thực có nghĩa là khi con người di chuyển, thần tượng trên màn hình sẽ phản chiếu. Để chuẩn bị cho những màn biểu diễn của Amy, nữ diễn viên đã phải học thêm vũ đạo.
Nhưng những người sáng tạo luôn tránh đề cập đến sự tồn tại của diễn viên đứng đằng sau thần tượng ảo.
“Logic của chúng tôi là mọi thần tượng ảo đều có linh hồn thực”, Giám đốc điều hành Công nghệ Mizhi, Liu Yong, người đã tạo ra Amy, cho biết. “Họ có tính cách, đặc điểm và sở thích riêng… Họ thực sự tồn tại trên thế giới này”, anh nói.
Thay vì chiếu diễn viên lồng tiếng cho thần tượng, chương trình chiếu cảnh các hoạt náo viên đang lo lắng chờ đợi ở hậu trường, như thể họ là gia đình của nghệ sĩ ảo.
“Tôi xem Amy như con gái của mình”, Xu Xingmei, 26 tuổi, họa sĩ hoạt hình phụ trách thiết kế các biểu cảm và chuyển động của Amy, cho biết. “Khi tôi thấy Amy xuất hiện trên sân khấu, tôi cảm nhận rằng con gái mình cuối cùng đã trưởng thành”.
Bùng nổ thần tượng ảo
Amy chỉ là một trong hàng chục thần tượng ảo đại diện cho ngành công nghiệp ACG (phim hoạt hình, truyện tranh, trò chơi) đang bùng nổ tại đất nước tỷ dân.
Theo công ty nghiên cứu thị trường iResearch, ngành công nghiệp hoạt hình (bao gồm cả truyện tranh, đồ chơi và các tác phẩm nghệ thuật có liên quan) tại Trung Quốc đạt 29,6 tỷ USD trong năm 2019.
Riêng lĩnh vực kinh doanh thần tượng ảo, doanh thu năm 2018 đạt khoảng 15 triệu USD, con số này sẽ nhanh chóng tăng lên 229 triệu USD trong vòng hai năm tới, theo đơn vị nghiên cứu thị trường Newsijie có trụ sở tại Bắc Kinh.
Trang web chia sẻ video Bilibili báo cáo số giờ xem các kênh phát trực tiếp thần tượng ảo của họ đã tăng 200% trong 10 tháng đầu năm nay.
Trong buổi phát trực tiếp trên Bilibili vào tháng 10, nữ thần tượng ảo Hiseki Erio đã biểu diễn trong 9 giờ liên tục trước 90.000 người xem trực tuyến.
Khoảng 27.000 khán giả đã tặng Erio những món quà kỹ thuật số (có thể quy đổi thành tiền thật) trong suốt buổi biểu diễn. Nhiều người hâm mộ khác sẵn sàng trả 200 nhân dân tệ (30 USD) một tháng để trở thành thành viên cao cấp trên kênh của thần tượng.
Đầu năm 2019, nghệ sĩ piano nổi tiếng Trung Quốc Lang Lang đã thực hiện một buổi trình diễn với ca sĩ ảo 15 tuổi Luo Tianyi trước hàng nghìn người hâm mộ tại sân khấu ở Thượng Hải.
Luo có hơn 3 triệu người theo dõi trên Weibo. Vé vào cửa cho sự kiện này không hề rẻ, lên đến 1.580 nhân dân tệ, tương đương 235 USD, nhưng show vẫn chật kín người xem.
Ca sĩ ảo như Amy, Hiseki Erio và Luo Tianyi đại diện cho thế hệ thần tượng ảo đầu tiên. Thế hệ thần tượng thứ hai đang được tạo ra từ các nhân vật trong phim hoạt hình, truyện tranh và trò chơi, như Tushan Susu trong phim Fox Spirit và Ootengu từ game NetEase Onmyoji.
Hơn 10 công ty, bao gồm Weibo và Kilakila, đã ra mắt quỹ thần tượng ảo đầu tiên của Trung Quốc vào đầu tháng 1/2019 với 100 triệu nhân dân tệ được phân bổ để giúp gây dựng các dự án đầy triển vọng và thuê chuyên gia sản xuất nội dung.
Tuy nhiên, một số chuyên gia lo lắng rằng nếu có quá nhiều công ty tham gia vào thị trường thần tượng ảo thì chất lượng có thể bị ảnh hưởng.
Cao Pu, giám đốc điều hành của Shanghai Henian Technology, công ty đã tạo ra một trong những thần tượng ảo thành công nhất Trung Quốc, cho biết: “Nếu bạn thực sự muốn tham gia ngành công nghiệp này, bạn cần tiền, công nghệ và sự kiên trì”.
Vì các thần tượng ảo sống và chết nhờ sức mạnh công nghệ, nên nguy cơ mắc lỗi kỹ thuật đáng xấu hổ là rất cao.
Trong chương trình Dimension Nova mới đây, Amy đã không xuất hiện mà chỉ có chiếc mũ của cô ở trên sân khấu. Các nghệ sĩ biểu diễn khác đã đột nhiên biến mất giữa chừng sau sự cố kỹ thuật. Một thí sinh bị đóng băng khi cố gắng dạy Kung Fu cho giám khảo.
Một người xem phàn nàn trên mạng xã hội: “Thật xấu hổ, tôi không nghĩ nó phù hợp để con người xem”.
Nhưng những người tạo ra chương trình đã gạt bỏ những lời chỉ trích. “Những khán giả đã theo dõi chương trình của chúng tôi ngay từ đầu sẽ thấy rằng công nghệ đã có sự cải tiến vượt bậc. Hơn nữa, tranh cãi là không thể tránh khỏi khi mọi thứ vẫn còn rất mới mẻ”, nhà sản xuất Liu cho biết.