Hàng chục nghìn người lao động từ chối nhận hỗ trợ từ gói 38.000 tỷ
Tính đến ngày 14/11, có 24.181 người lao động đã tự nguyện không nhận hỗ trợ từ gói 38.000 tỷ đồng của quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Đến nay, hơn 11,4 triệu lao động cả nước đã được nhận hỗ trợ.
Bộ LĐ-TB&XH vừa có báo cáo về việc thực hiện Nghị quyết 116/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 28 của Thủ tướng. Theo đó, cơ quan này cho biết, tính tới ngày 14/11, có 363.600 đơn vị sử dụng lao động đã được số giảm tiền đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động từ tháng 10/2021 tới hết tháng 9/2022.
Số lượng đơn vị trên tương ứng với 9,68 triệu lao động. Số tiền được điều chỉnh giảm đóng tạm tính khoảng 7.595 tỷ đồng.
Cơ quan bảo hiểm xã hội cũng các cấp đã rà soát và gửi danh sách người lao động thuộc đối tượng hỗ trợ đến 357.610 đơn vị sử dụng lao động, tương ứng với 11,5 triệu lao động thuộc diện được hỗ trợ.
Đáng chú ý, cả nước có 24.181 người lao động đã nêu nguyện vọng không nhận hỗ trợ dù đều là những người đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành đã giải quyết hưởng hỗ trợ cho hơn 11,4 triệu lao động (gồm hơn 10,6 lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và 750.622 người đã dừng tham gia, tương đương 91.28% số người lao động đề nghị hỗ trợ) với số tiền hỗ trợ 27.230 tỷ đồng.
Tổng số tiền đã chi trả là 26.829 tỷ đồng cho 11.299.180 người lao động (tương đương 98,53% số lao động đã được giải quyết hồ sơ. Việc chi trả chủ yếu được thực hiện qua tài khoản cá nhân.
Tới ngày 14/11, theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH của 63 tỉnh, thành, tổng kinh phí thực hiện Nghị quyết 68, Quyết định 23 toàn quốc là 27,24 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ 27,62 triệu lượt đối tượng, gồm: 377.258 lượt đơn vị sử dụng lao động, 27,24 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác).
Riêng TPHCM đã hỗ trợ 11,11 triệu lượt đối tượng với số tiền 11,92 nghìn tỷ đồng.
Một số địa phương có tổng kinh phí hỗ trợ cao là Bình Dương (2.418 tỷ đồng), Hà Nội (1.895 tỷ đồng), Đồng Nai (1.806 tỷ đồng), Bà Rịa - Vũng Tàu (1.325 tỷ đồng), Bắc Giang (562 tỷ đồng)…