Hàng Dâm bụt tuổi thơ

Có một loài hoa trong số rất nhiều những loài hoa mãi neo đậu trong kí ức của tuổi thơ biết bao người, trong đó có tôi, ấy chính lá hoa Dâm bụt. Mỗi khi âm thanh náo nức của ngày Hè đánh động qua tiếng ve râm ran trên những chùm Phượng vĩ đỏ thắm hay bông Bằng lăng tím ngắt cũng là lúc hoa Dâm bụt khoác lên mình đủ sắc màu lung linh dưới nắng.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Dâm bụt là loài cây bụi thuộc họ bông hoặc Cẩm quỳ (Malvaceae), có nguồn gốc Đông Á. Nó được trồng thông dụng ở Việt Nam, có khả năng chịu đựng được điều kiện khí hậu khắc nghiệt như nắng nóng, mưa bão. Dâm bụt (râm bụt) còn gọi là cây bông bụp, lồng đèn (tiếng miền Nam), cao từ 1 - 2 m, lá đơn, mọc cách, phiến lá có khía răng cưa. Dù không cao quý như Hoa hồng, quyến rũ như Hoa huệ, đài các như Loa lan; dù chỉ được người ta đem trồng làm hàng rào, có khi làm cây cảnh, thế nhưng loài hoa này vẫn giữ được vị trí cùng vẻ đẹp riêng độc đáo trong lòng người dân quê, đặc biệt đối với những ai đã từng đi qua một thời thơ dại.

Hoa Dâm bụt thường nở từ tháng 5 đến tháng 7. Hoa có nhiều màu sắc nhưng nhiều nhất vẫn là màu đỏ, thường mọc ở nách lá hay đầu cành, ít có hương. Mỗi bông hoa có 5 cánh xòe ra rực rỡ, ở giữa vươn ra nhụy dài, trông như cái chuông đỏ thắm nổi bật trên nền xanh mơn mởn của lá. Vẻ đẹp mộc mạc, dân giã của hoa có sức hút kì lạ với những đứa trẻ 8X như tôi ngày ấy.

Tôi ở với ông bà nội từ bé. Ngày ấy, nhà cách nhà bởi hàng rào Dâm bụt. Cứ mỗi chiều đi học về, tôi lại cùng đám bạn túm tụm ngồi chơi bên hàng rào Dâm bụt. Chúng tôi lấy lá Dâm bụt làm tiền, lấy hoa kết thành vòng đeo hay làm thành cái chuông đỏ đem bán, lấy đọt non làm nguyên liệu nấu ăn,... Ngộ nghĩnh hơn, đứa nào đứa nấy còn ngắt từng cánh hoa dán lên mí mắt, lên trán hù dọa nhau, rồi nhìn nhau cười ngặt nghẽo.

Suốt một thời tuổi thơ, vào những đêm trăng thanh, tôi thường nằm trên cái chõng tre giữa sân, vừa ngắm nghía chị Hằng, vừa đón gió mát lành từ chiếc quạt mo trên tay bà, vừa nghe bà rủ rỉ chuyện về loài hoa Dâm bụt từ ngày xửa ngày xưa. Câu chuyện của hai chị em Nađi và Naban, câu chuyện về một loài hoa gắn liền với sự từ bi che chở của đức Phật để rồi sau này, người ta gọi nó với cái tên Dâm bụt (bóng râm của bụt che chở). Bà còn bảo, vì Dâm bụt gắn liền với người dân quê thế nên vẻ đẹp nên thơ, tươi tắn của nó được ví như người con gái quê vậy.

Những buổi trưa Hè chẳng biết đến giấc ngủ trưa, lũ trẻ chúng tôi cứ mải miết tìm những bông Dâm bụt thật to, ngắt hoa khỏi đài và cứ thế hút giọt mật ngọt lành nơi cuống hoa. Nắng Hè dát vàng trên hàng rào Dâm bụt xanh mướt. Những bông hoa đỏ rực theo gió đu đưa như đang ngắm nhìn và vui cùng lũ “trẻ trâu”, mồ hôi nhễ nhại, đầu đội nắng nhưng nụ cười thì vẫn tươi rói. Rồi những lỗ hổng hàng rào Dâm bụt được ta tạo nên từ khi nào chẳng biết. Nó góp phần rút ngắn quãng đường dài ngoằng sang nhà bạn; nó được dùng để đặt vào tay bạn củ khoai, nắm xôi, quả bưởi, miếng mít nhà mình một cách nhanh nhất. Và nơi đó, một thời vụng dại, có ai đã nhiều lần nép mình bên hàng Dâm bụt chờ ta mỗi buổi đến trường.

Mới đó mà hơn 30 năm đã trôi qua. Ông bà nội tôi giờ đã là người thiên cổ. Ngôi nhà tranh vách đất với hàng rào Dâm bụt đỏ thắm giờ được bác tôi thay thế bằng ngôi nhà mái ngói kiên cố và hàng rào tường vôi. Những hàng dâm bụt một thời nơi làng quê giờ chỉ còn lại trong kí ức. Giữa những ngày tháng 5 về, nhớ lắm những kỉ niệm bên hàng dâm bụt, bên ông bà nội, bên đám bạn một thời đến cay xè khóe mắt.

Tản văn: Xanh Nguyên

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/van-hoa/202306/hang-dam-but-tuoi-tho-a624717/