Hãng dược hàng đầu 'xứ sương mù' dùng tiền 'bịt miệng' cáo buộc
Là một trong những công ty dược hàng đầu thế giới, được biết đến với nhiều loại thuốc được hàng triệu người sử dụng nhưng Công ty dược AstraZeneca cũng vướng phải nhiều tai tiếng nghiêm trọng về chất lượng thuốc và phải bỏ ra nhiều khoản tiền lớn để dàn xếp các cáo buộc.
Thuộc top lớn nhất thế giới
Astra AB được thành lập vào năm 1913 tại Sodertalje, Thụy Điển như một nỗ lực giúp Thụy Điển cạnh tranh với nền y học của Đức và Thụy Sĩ. Tuy nhiên, công ty này đã không thể đạt được mục tiêu đầy tham vọng trên khi Chiến tranh thế giới I bùng nổ. Năm 1918, một công ty thuốc nhuộm có tên ASF đã mua Astra với ý định tăng cường khả năng cạnh tranh trong ngành hóa chất.
Trong vòng 1 thập kỷ tiếp theo đó, công ty mới đã triển khai nhiều biện pháp nhằm tối đa hóa lợi nhuận. Quả thực, đến năm 1929, Astra đã làm ăn có lãi và đến năm 1957, doanh số của công ty đã tăng gấp 100 lần. Từ những năm 1930, Astra cũng đã có những bước đi đầu tiên trong quá trình nghiên cứu độc lập vào bằng cách phát triển các loại thuốc như Hepaforte - một phương pháp điều trị căn bệnh khiến cơ thể không thể hấp thụ đủ Vitamin B-12.
Công ty cũng đã mua các nhà máy của các đối thủ là Tika Cosmetics và Paul G. Nordstrom vào năm 1942 để trở thành công ty dược phẩm thống trị ở Thụy Điển. Năm 1948, Astra đã phát triển tác nhân gây tê cục bộ Xylocaine (lidocaine). Đây là loại thuốc lần đầu tiên có mặt trên toàn thế giới. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ 3 năm sau đó đã phê duyệt loại thuốc này và Mỹ trở thành thị trường lớn nhất của thuốc Xylocaine. Thành công của loại thuốc này cho phép Astra đầu tư nhiều tiền hơn vào nghiên cứu.
Vào những năm 1970, Astra bắt đầu mở rộng phạm vi hoạt động ra toàn thế giới, hình thành các công ty con ở châu Âu, Mỹ, Nam Mỹ và Australia. Đến thập niên 80, Astra bắt đầu bán hết các tài sản khác của công ty, chỉ tập trung vào mảng dược phẩm. Sau khi công bố phương pháp điều trị các chứng lở loét vào năm 1988, Astra trở thành một trong những công ty phát triển nhanh nhất thế giới. Trong những năm 1990, công ty này đã tăng gấp đôi số lượng nhân viên để đáp ứng với sự phát triển mạnh mẽ về quy mô.
Biết được rằng bằng sáng chế đối với thuốc trị các bệnh lở loét của công ty sẽ hết hạn vào đầu những năm 2000, Astra đã đi trước đón đầu bằng cách đầu tư hàng triệu USD vào nghiên cứu và phát triển các sản phẩm thuốc hứa hẹn khác với hy vọng sẽ có được thêm những “con gà đẻ trứng vàng mới” thay thế phương thuốc cũ.
Sở hữu những thương hiệu thuốc "bom tấn"
Năm 1998 đánh dấu một bước phát triển mới của Astra khi một công ty tương đối trẻ là Zeneca đã mua lại Astra với giá tỉ 35 USD. Công ty này trực thuộc Công ty Imperial Chemical Industries (ICI) có trụ sở tại London, Anh. Sau khi việc sáp nhập hoàn thành vào tháng 12/1998, công ty mới có tên AstraZeneca chính thức được thành lập. AstraZeneca khi mới đi vào hoạt động là công ty dược phẩm lớn thứ 4 trên thế giới, với giá trị vốn hóa là 67 tỷ USD khi việc sáp nhập hoàn thành vào năm 1999.
Tại thời điểm này, mỗi công ty ban đầu đều đang sở hữu một loại thuốc được xếp vào hàng “bom tấn”. Trong đó, Astra nắm trong tay Prilosec - một loại thuốc dùng để điều trị chứng trào ngược axit và ợ nóng còn Zeneca là đơn vị nắm bản quyền thuốc Nolvadex (tamoxifen) điều trị ung thư vú. Với hơn 50.000 nhân viên và doanh thu 23 tỷ USD vào thời điểm năm 2016, công ty có trụ sở tại Cambridge, Anh này tiếp tục được xếp hạng trong số các công ty dược phẩm lớn nhất thế giới.
Trong số những sản phẩm làm nên tên tuổi của AstraZeneca phải kể đến các loại thuốc như thuốc giảm đau gây tê lidocaine. Năm 2017, công ty này tiếp tục có một chiến thắng lớn khi Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt loại thuốc trị ung thư bàng quang mới, Imfinzi (durvalumab). Theo các nhà phân tích, loại thuốc này có thể giúp công ty kiếm được tới 6,5 tỉ USD mỗi năm. Các sản phẩm của công ty được hàng triệu người trên thế giới sử dụng.
(Đón đọc Kỳ 2: "Ông lớn" AstraZeneca và nghi án đổi tình dục lấy nghiên cứu)