Hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gia tăng
Theo Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) đang là một trong những hình thức gian lận thương mại rất phổ biến tại Việt Nam. Theo đó, phương thức, thủ đoạn ngày càng chuyên nghiệp, tinh vi và luôn thay đổi.
4 tháng phát hiện và xử lý 4.712 hành vi vi phạm
Tổng cục QLTT cho biết, thời gian qua, tình trạng vi phạm về hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền SHTT, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn tiếp tục xảy ra với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng chuyên nghiệp, tinh vi và luôn thay đổi.
Hàng hóa bị làm giả, xâm phạm quyền SHTT không chỉ là hàng hóa của các thương hiệu nước ngoài, thương hiệu nổi tiếng mà ngay chính những sản phẩm trong nước cũng trở thành mục tiêu của các đối tượng. Chủng loại hàng hóa bị làm giả, xâm phạm quyền SHTT cũng rất đa dạng, từ hàng may mặc, thời trang, tiêu dùng, thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc... đến những sản phẩm có giá trị cao như máy tính, điện thoại hay các sản phẩm đồ chơi lắp ghép dành cho trẻ em...
Hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT lưu thông trên thị trường không chỉ được sản xuất trong nước mà còn được nhập lậu từ nước ngoài vào Việt Nam. “Từ cuối năm 2021, khi đường biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc được xây dựng hàng rào, các đối tượng vận chuyển buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT có xu hướng chuyển dần sang đường chính ngạch. Các đối tượng lợi dụng chính sách xuất nhập như: khai báo không hết, khai báo không đúng, lợi dụng kiểm tra ngẫu nhiên hàng hóa để đưa hàng nhập lậu, hàng giả, hàng vi phạm quyền SHTT vào thị trường Việt Nam”, đại diện Tổng cục QLLT cho hay.
Trong 4 tháng đầu năm 2023, lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 4.712 hành vi vi phạm liên quan đến hàng giả, hàng vi phạm về SHTT và hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; xử phạt vi phạm hành chính trên 43,3 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm trên 45,5 tỷ đồng.
Mới đây, QLTT Hà Nội đã có quyết định xử phạt hệ thống Nhà sách Bảo Anh về hành vi không ghi nhãn phụ tiếng Việt, không có hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp… với tổng số tiền 19,5 triệu đồng. Trong đó, ngày 16/5, Đội QLTT số 5 đã kiểm tra Nhà sách Bảo Anh tại địa chỉ số 173 Đại La, Hai Bà Trưng (Hà Nội), do ông Hoàng Văn Vân là đại diện hộ kinh doanh.
Kết quả cho thấy, nhà sách đang kinh doanh hàng hóa là 140 sản phẩm là đồ chơi trẻ em do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn chứng từ kèm theo, chưa qua sử dụng, không đảm bảo an toàn sử dụng, gây hại cho sức khỏe con người là hàng nhập lậu. Tại Nhà sách Bảo Anh cơ sở Khu đô thị Goldmark (Hà Nội), Đội QLTT số 22 đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm gồm 201 bộ đồ chơi trẻ em các loại nhập lậu.
Ngày 17/5, Đội QLTT số 22 kiểm tra Nhà sách Bảo Anh (tại địa chỉ: Liền kề C02 dự án khu nhà ở thấp tầng A1TT1 đường Nguyễn Văn Huyên, phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), thuộc Công ty TNHH Thương mại Bảo Anh. Kết quả kiểm tra, phát hiện, cơ sở có kinh doanh hàng hóa là đồ chơi trẻ em, đồ dùng học tập do nước ngoài sản xuất, nhưng không có hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa là hàng hóa nhập lậu gồm 246 bộ đồ chơi trẻ em các loại; 137 sản phẩm đồ dùng học sinh (hộp bút, bút bi, gọt bút chì).
Hiện, với các sản phẩm đồ chơi dành cho trẻ em, chỉ cần lên mạng seach và trên các hội nhóm, trang cá nhân trên mạng xã hội Facebook rao bán những bộ đồ chơi LEGO với giá chỉ từ 200.000 đến 300.000 đồng/bộ, song giá thực tế của các sản phẩm chính hãng thì cao hơn rất nhiều.
Chủ động kiểm soát hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ
Ông Đỗ Việt Tùng, Trưởng phòng Đối ngoại của Tập đoàn LEGO tại Việt Nam cho biết, chỉ trong quý 1/2023, doanh nghiệp đã phối hợp với các cơ quan chức năng phát hiện và tháo gỡ 5.339 đường dẫn sản phẩm xâm phạm SHTT trên 4 sàn thương mại điện tử lớn gồm: Shopee, Lazada, Tiki và Sendo.
Hàng năm, Tập đoàn LEGO cho ra đời hàng ngàn mẫu sản phẩm đồ chơi các loại. Tại thị trường Việt Nam, các sản phẩm của LEGO được phân phối thông qua hệ thống MyKingdom. Để phân biệt hàng chính hãng và hàng vi phạm, người tiêu dùng cần nhìn logo LEGO in trên mỗi bao bì sản phẩm. Logo LEGO đã đăng ký bản quyền SHTT tại thị trường Việt Nam và thị trường Trung Quốc. Do vậy, khi sản xuất hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, các đối tượng sẽ thiết kế mẫu logo, bao bì tương tự, na ná giống nhau, như LEBO, LEDUO, LB+.... Đơn cử, sau khi LEGO ra mắt sản phẩm mới (Wildflower - Hoa dại), thì 1-2 tháng sau hàng tương tự (không phải của LEGO) đã xuất hiện trên thị trường, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp cũng như quyền và lợi ích của người dùng.
Về vấn nạn sách lậu, sách giả, bà Lương Thị Thanh Ngà, đại diện Truyền thông Tân Việt Books cũng cho biết, hiện, sản xuất, kinh doanh sách giả, sách vi phạm quyền SHTT đã trở thành vấn nạn đối với ngành xuất bản. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, các bậc phụ huynh, nhất là các phụ huynh trẻ ngày càng quan tâm đến các xuất bản phẩm dành cho trẻ nhỏ.
Ở góc độ người tiêu dùng, chị Nguyễn Thị Thanh (Hai Bà Trưng- Hà Nội) cho biết, gia đình chị hay đưa con đi mua sách, khi xem sách bán trên thị trường nếu không có sản phẩm đối chứng thì không thể nào phân biệt được hàng giả, hàng in lậu. Bởi, dù nội dung sách, hình ảnh khá giống nhau nhưng chất liệu giấy, mực in, khoảng cách chữ ở các sản phẩm vi phạm, làm giả, in lậu gây nhức mắt cho người sử dụng.
Cùng với đó, khoảng cách các chữ ở sản phẩm giả dày quá, nếu đọc lâu sẽ có hiện tượng mỏi, nhức mắt. Chưa kể, chất liệu giấy thấp mỏng, gai gây khó chịu khi sử dụng. Đặc biệt, sản phẩm sách giả, sách in lậu ảnh hưởng rất lớn đến thị lực của người sử dụng, nhất là đối với các em nhỏ. Chưa kể, sách giả thường hay bị thiếu dữ liệu, sai sót về số liệu, không cập nhật thông tin sẽ dẫn đến sai lệch về nội dung (đường nét biên giới, vấn đề biển đảo trên bản đồ), kiến thức tiếp nhận của học sinh.