Hãng Google trong 'tâm bão' điều tra chống độc quyền
Một nhóm gồm 50 Tổng chưởng lý của 48 bang, Washington, D.C. và Puerto Rico thuộc Mỹ tuyên bố sẽ mở một cuộc điều tra lớn về chống độc quyền đối với Google.
Với khoản lợi nhuận 9,18 tỷ USD đạt được trong trong quý 2/2019, Alphabet - công ty mẹ của công cụ tìm kiếm thông tin phổ dụng hàng đầu thế giới Google - đang kỳ vọng vào một kết quả kinh doanh lạc quan trong cả năm 2019.
Tuy vậy, "niềm vui ngắn chẳng tày gang" khi vào ngày 9/9 vừa qua, một nhóm gồm 50 Tổng chưởng lý của 48 bang, Washington, D.C. và Puerto Rico thuộc Mỹ tuyên bố sẽ mở một cuộc điều tra lớn về chống độc quyền đối với Google, đồng thời tăng cường giám sát pháp lý nhằm vào hãng công nghệ khổng lồ này.
Cuộc điều tra trên sẽ tập trung làm rõ liệu Google có gây nguy hại tới cạnh tranh và người tiêu dùng hay không, trước hết chú trọng vào các hoạt động của Google trong tìm kiếm, quảng cáo và các hoạt động kinh doanh khác, từ đó làm cơ sở để mở rộng điều tra.
Các Tổng chưởng lý của bang California và Alabama không tham gia cuộc điều tra nói trên.
Tổng chưởng lý Ken Paxton của bang Texas cho biết Google đã thống trị tất cả khía cạnh của quảng cáo và tìm kiếm trên Internet. Ông Paxton hoan nghênh luật sư của các bang đã có lập trường chưa từng có khi chống lại các công ty công nghệ lớn (Big Tech) bằng cách hợp nhất để điều tra việc Google độc quyền trong quảng cáo và tìm kiếm.
Ông nói thêm:" Chúng tôi chưa từng thấy trường hợp cùng nhau chống độc quyền nào tương tự, kể từ sau khi Microsoft bị kiện năm 1998 và thông báo hôm nay đánh dấu sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới."
Trong khi đó, theo các chuyên gia, cuộc điều tra trên làm gia tăng những nguy cơ về pháp lý đối với Google, vốn phải đối mặt với sự giám sát về chống độc quyền từ các nhà lập pháp liên bang và Bộ Tư pháp Mỹ. Ngày 6/9, Google tiết lộ rằng họ đã nhận được một yêu cầu từ Bộ Tư pháp Mỹ bắt buộc phải công khai thông tin.
Đây cũng sẽ là cuộc điều tra liên bang thứ hai trong vòng một tuần nhằm vào một hãng công nghệ lớn. Trước đó, ngày 6/9, giới chức tư pháp ở nhiều bang của Mỹ thông báo đã mở cuộc điều tra chống độc quyền đối với Facebook để tìm hiểu xem liệu trang mạng xã hội này có "kìm hãm sự cạnh tranh và khiến người sử dụng gặp rủi ro" hay không.
Theo giáo sư ngành luật Maurice Stucke thuộc Đại học Tennessee, các cuộc điều tra có thể kết thúc với một loạt các kết quả khác nhau, bao gồm đóng tiền phạt, hạn chế về hoạt động hoặc buộc các công ty này phải chia tách.
Google ngày 4/9 đã phải đồng ý trả khoản tiền 170 triệu USD để dàn xếp những cáo buộc thu thập và chia sẻ dữ liệu từ trẻ em một cách trái phép trên dịch vụ chia sẻ video YouTube.
Giới chức cho biết Google đã đạt thỏa thuận dàn xếp với Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ (FTC) và Cơ quan công tố bang New York. Theo đó, FTC sẽ nhận 136 triệu USD trong khi bang New York nhận 34 triệu USD.
Đây cũng là khoản tiền phạt lớn nhất từng được ghi nhận trong một vụ việc liên quan tới đạo luật Bảo vệ quyền riêng tư trực tuyến của trẻ em (COPPA), ban hành năm 1998./.