Hàng hải 25 năm thực thi 'Hiến pháp về biển và đại dương'
Sau 25 năm thực thi công ước UNCLOS 1982, hàng hải có nhiều hoạt động thiết thực, nâng cao nhận thức về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam
Sáng nay (11/9), Cục Hàng hải VN tổ chức Hội nghị chuyên đề 25 năm thực thi Công ước của Liên hợp quốc về luật biển năm 1982 (UNCLOS - 1982).
Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS Nguyễn Hồng Thao, Phó Chủ tịch thứ hai của Ủy ban Luật pháp quốc tế của Liên Hợp quốc cho biết, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 được coi như “Hiến pháp về biển và đại dương” gồm 17 phần, 320 điều và 9 phụ lục được thông qua ngày 30/4/1982, đánh dấu kết quả 9 năm đàm phán của Hội nghị Luật Biển lần thứ 3 của Liên hợp quốc.
“Công ước ra đời đánh dấu sự hình thành một khuôn khổ pháp lý quốc tế toàn diện điều chỉnh quyền và nghĩa vụ của tất cả các quốc gia trong sử dụng biển, quản lý các nguồn tài nguyên biển, cơ chế giải quyết các tranh chấp, bảo vệ đa dạng sinh học nằm ngoài quyền tài phán quốc gia”, ông Thao nói.
Theo ông Bùi Thiên Thu, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải VN, vùng biển Việt Nam có diện tích rộng lớn, với trên 1 triệu km2, gấp hơn 3 lần diện tích đất liền, nằm trên con đường hàng hải huyết mạch của thế giới với tiềm năng tài nguyên và cảnh quan dồi dào.
“Nhận thức rõ tầm quan trọng của biển, Việt Nam đã tích cực tham gia vào quá trình thương lượng xây dựng Công ước Luật Biển năm 1982. Ngày 23/6/1994, Việt Nam đã ra nghị quyết về việc phê chuẩn Công ước Luật Biển, trong đó khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với nội thủy, lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam trên cơ sở các quy định của Công ước và các nguyên tắc của luật pháp quốc tế.
Nghị quyết còn khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và chủ trương giải quyết các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ cũng như các bất đồng khác liên quan đến vấn đề Biển Đông thông qua thương lượng hòa bình, trên tinh thần bình đẳng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng pháp luật quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật Biển 1982”, ông Thu nói.
Cũng theo ông Thu, để phù hợp với các quy định của Công ước Luật Biển 1982, Việt Nam đã ban hành Luật Biển Việt Nam năm 2012 nhằm thống nhất quản lý việc hoạch định, sử dụng, thăm dò, khai thác tài nguyên biển và quản lý các vùng biển, thềm lục địa, hải đảo của Việt Nam, cũng như việc giải quyết tranh chấp trên biển giữa Việt Nam và các nước láng giềng.
Đây được coi là bước tiến quan trọng trong việc chuyển hóa các quy định của Công ước Luật Biển vào hệ thống pháp luật trong nước, tạo thuận lợi cho việc quản lý thống nhất về biển và phát triển kinh tế biển Việt Nam.
"Cùng đó, Việt Nam đã xây dựng hành lang pháp lý khá đầy đủ và đồng bộ gồm Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành; Tổ chức các Hội nghị tuyên truyền về biển, đảo, tác động lớn đến tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, người lao động tại cơ quan, góp phần nâng cao bản lĩnh chính trị, tình yêu quê hương, đất nước, biểu thị ý chí về chủ quyền Tổ quốc của mỗi cá nhân”, ông Thu cho hay.