Hăng hái làm giàu từ đồng đất ven đô
Khai thác lợi thế về đất đai của vùng ven đô, những năm qua nhiều hộ nông dân ở phường Đông Giang, TP. Đông Hà đã đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Phường Đông Giang cũng được xem là điểm sáng về phát triển nông nghiệp của thành phố với nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao.
Là một người nông dân cần cù chăm chỉ, ông Đoàn Văn Tý, (64 tuổi) ở Khu phố 6, phường Đông Giang luôn tích cực cải tạo ruộng vườn, xây dựng mô hình chăn nuôi, trồng trọt để tạo lập kinh tế bền vững cho gia đình.
Sinh ra và lớn lên ở phường ven đô Đông Giang, gia đình ông Tý lấy nông nghiệp làm sinh kế chủ đạo. Có diện tích đất vườn rộng, ông Tý đã tiến hành xây dựng mô hình chăn nuôi, trồng trọt tổng hợp phù hợp với điều kiện của gia đình. Trên mảnh đất vườn rộng hơn 2 sào, hằng năm vợ chồng ông luân canh các loại hoa màu như: dưa leo, cà các loại, mồng tơi, cải, rau gia vị, mướp đắng… và trồng hoa khi đến vụ Tết.
Bên cạnh đó, ông Tý còn tận dụng các loại phụ phẩm nông nghiệp để chăn nuôi lợn, gà, vịt, ngan… Hiện nay, bình quân mỗi năm gia đình ông Tý nuôi khoảng 100 lợn thịt và trên 200 con gà, vịt, ngan. Cùng với đó, gia đình ông còn canh tác thêm 1,5 mẫu ruộng, trong đó có khoảng 6-7 sào trồng nếp.
Ông Tý cho biết, lúa thu hoạch của gia đình ông chủ yếu bán cho thương lái và phục vụ chăn nuôi; trong khi đó nếp thu hoạch sẽ vừa phục vụ nấu rượu, vừa tận dụng hèm rượu để chăn nuôi lợn. Nhờ đức tính cần cù chịu khó, mô hình của gia đình ông Tý hằng năm mang lại tổng thu từ 150-200 triệu đồng, sau khi trừ các chi phí còn lãi được khoảng hơn 100 triệu đồng.
Cũng chân chất, chịu khó như ông Tý, ông Lê Văn Hiếu, (61 tuổi) ở Khu phố 5, phường Đông Giang đã gắn bó với ruộng đồng từ trước đến nay để làm ăn. Với 1,5 ha ruộng vườn của gia đình, từ năm 2004, ông Hiếu đã bắt tay xây dựng mô hình chăn nuôi, trồng trọt tổng hợp. Được sự hỗ trợ của Hội Nông dân phường, ông đã chuyển đổi 1,2 ha đất sang xây dựng mô hình cá - lúa.
Trong diện tích đó, ông vừa canh tác giống lúa chất lượng cao HC95, đồng thời thả nuôi các loại cá nước ngọt có giá trị kinh tế và dễ tiêu thụ như cá mè, trắm, chép… Cùng với đó, ông còn xây chuồng thả nuôi lợn thịt với số lượng hơn 100 con/ năm; nuôi từ 300-500 con gà đẻ trứng và gà thịt. Tận dụng diện tích ruộng và ao hồ mặt nước trong mô hình của mình, hằng năm ông Hiếu còn thả nuôi từ 700 - 1.000 con vịt...
Cần cù lăn lộn với mô hình đã mang lại thành quả đáng khích lệ cho gia đình ông Hiếu, với thu nhập sau khi trừ chi phí đạt hơn 100 triệu đồng/năm. Gia đình ông Tý, ông Hiếu là những gia đình nông dân luôn cần cù chịu khó tận dụng khai thác diện tích đồng ruộng để tạo thu nhập cho gia đình. Họ cũng nằm trong số 300 hộ gia đình nông dân của phường đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp…
Chủ tịch Hội Nông dân phường Đông Giang Lê Văn Thủy cho biết, những năm qua, Hội Nông dân phường đã tích cực vận động nông dân tham gia chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp tiếp tục chuyển đổi theo hướng nông nghiệp đô thị gắn với lợi thế của từng vùng, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị nông sản trên một đơn vị diện tích.
Đến nay đã hình thành một số mô hình chuyên canh nông nghiệp, trong đó nhiều mô hình sản xuất tiếp tục phát huy có hiệu quả như: hoa chậu, nuôi tôm nước lợ, cho thu nhập cao, đến nay bình quân giá trị đạt gần 100 triệu đồng/ha.
Ngoài ra, diện tích gieo trồng lúa của phường hằng năm đạt 496,6 ha; năng suất bình quân 55 tạ/ha; sản lượng hơn 2.731 tấn/năm. Diện tích rau, hoa, cây cảnh toàn phường 30 ha, trong đó sản xuất gần 40.000 chậu hoa các loại và 3 ha hoa vườn, cho thu nhập cao với lợi nhuận hằng năm từ các loại cây trồng chủ lực này từ 3,2 - 3,5 tỉ đồng.
Về chăn nuôi, toàn phường có tổng đàn trâu, bò 288 con; đàn lợn 2.500 con; đàn gia cầm 19.000 con. Nuôi cá nước ngọt, mô hình cá - lúa với tổng diện tích bình quân hằng năm 6,5 ha. Nuôi tôm có tổng diện tích bình quân hằng năm 26,7 ha, sản lượng bình quân hằng năm đạt 74,3 tấn, lãi hằng năm từ 3 - 3,5 tỉ đồng.
Ông Thủy cho biết thêm, những năm qua phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững được đông đảo hội viên tích cực hưởng ứng. Từ phong trào đã xuất hiện nhiều hội viên nông dân tiêu biểu. Bên cạnh đó, nhiều hội viên nông dân thoát nghèo, phấn đấu vươn lên làm giàu chính đáng, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho gia đình.
Hiện nay toàn phường chỉ còn 4 hộ nông dân thuộc diện hộ nghèo. Hội Nông dân phường cũng đã đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ hỗ trợ, tăng cường khai thác các nguồn vốn từ hoạt động tín chấp với các ngân hàng, xây dựng và phát triển quỹ hỗ trợ nông dân giúp cho hội viên có vốn sản xuất.
Phối hợp với các doanh nghiệp hỗ trợ nông dân mua phân bón, thức ăn gia súc, gia cầm và máy nông nghiệp theo tinh thần Quyết định 68-QĐTTg của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện liên kết “4 nhà” hỗ trợ nông dân về thông tin thị trường, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ nông sản, giới thiệu các sản phẩm nông sản chủ lực của địa phương, tham gia các hội chợ thương mại, giới thiệu nông sản trong và ngoài tỉnh.
Thông qua nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân, nguồn vốn vay các ngân hàng đã hỗ trợ nông dân xây dựng mô hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ... theo hướng tổ hợp tác và hợp tác xã, xây dựng các mô hình nông dân cùng sở thích, thành lập các chi, tổ hội nghề nghiệp, giúp nông dân liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thuận lợi.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/kinh-te/hang-hai-lam-giau-tu-dong-dat-ven-do/176868.htm