Hàng hải nâng cao năng lực để tận dụng cơ hội từ hiệp định EVFTA

Hiệp định EVFTA giúp hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các nước thuộc Liên minh châu Âu dự báo sẽ tăng. Trong đó, 90% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam được vận chuyển qua đường biển. Điều này đồng nghĩa hoạt động dịch vụ vận tải tăng mạnh, trong đó có vận tải biển.

Dự báo EVFTA giúp hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với EU qua đường biển sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Ảnh: TL.

Dự báo EVFTA giúp hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với EU qua đường biển sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Ảnh: TL.

Cơ hội cho doanh nghiệp hàng hải Việt Nam

Theo ông Hoàng Hồng Giang - Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Liên minh châu Âu (EU) tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030. Đồng thời, kim ngạch nhập khẩu từ EU cũng tăng nhưng với tốc độ thấp hơn xuất khẩu. Cụ thể, khoảng 15,28% vào năm 2020; 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030. Lượng hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU sẽ tăng mạnh.

Trong đó, cam kết loại bỏ thuế quan của Việt Nam cho phương tiện vận tải, các loại máy móc, thiết bị công nghệ phục vụ hoạt động logistics từ EU là cơ hội để doanh nghiệp logistics trong nước có thể mua những sản phẩm phục vụ sản xuất với giá hợp lý; tiết kiệm chi phí sản xuất, cải thiện năng lực công nghệ, tăng cường năng lực tự thực hiện, giảm các dịch vụ thuê ngoài.

“Hiệp định sẽ tạo cơ hội thu hút đầu tư từ EU, tận dụng kinh nghiệm, kỹ năng quản trị, nguồn vốn, mạng lưới sẵn có của đối tác khi liên doanh với EU trong phát triển cảng biển, kỹ thuật và công nghệ hiện đại trong phát triển cảng, các cơ sở và dịch vụ logistics. Mặt khác, việc tiếp cận thị trường dịch vụ logistics các nước thành viên EU khi EU mở cửa nhiều dịch vụ nhóm logistics cho nhà cung cấp dịch vụ Việt Nam” - ông Giang cho hay.

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, 7 tháng năm 2020, tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam đạt hơn 397,5 triệu tấn. Trong đó, lượng hàng container thông qua cảng đạt hơn 11,8 triệu Teu, tăng lần lượt 6% và 8% so với cùng kỳ năm 2019. Dự báo nhiều công ty lớn sẽ chuyển dây chuyền sản xuất sang Việt Nam, lượng hàng hóa trung chuyển qua các cảng Việt Nam sẽ tăng do đón làn sóng đầu tư mới. Đồng thời, tín hiệu tích cực từ thị trường khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ 1/8/2020 thì việc kết nối hàng hóa giữa Việt Nam - EU sẽ có mức tăng trưởng mạnh.

Tuy nhiên ông Giang cho biết, bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại như: Các cảng nằm sâu trong sông, hạn chế luồng, áp lực giao thông đường bộ; phân chia nhỏ các cảng, hạn chế hiệu quả khai thác; kết nối các phương thức còn hạn chế, chủ yếu về đường bộ; duy tu nạo vét luồng lạch còn nhiều bất cập, khó khăn cho việc đổ thải…

Còn theo ông Lê Quang Trung - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), hiện nay chỉ có khoảng 10 cảng đủ điều kiện tiếp nhận tàu trọng tải cỡ trung bình thế giới. Hai cảng nước sâu Lạch Huyện (Hải Phòng) và Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) là hai khu vực cảng được Chính phủ quy hoạch là hệ thống cảng trung chuyển, có thể tiếp nhận tàu mẹ lên đến 150.000 DWT nhằm thu hút hàng hóa từ châu Âu, châu Mỹ. Đây là hai cụm cảng sẽ nhận được sự tác động mạnh mẽ từ hiệp định.

Giải pháp nâng cao năng lực hàng hải

Để nâng cao năng lực hàng hải, đáp ứng nhu cầu vận tải trong thời gian tới, ông Trung cho rằng, hoạt động logistic có vai trò quan trọng đối với sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, trong đó vận tải biển là một mắt xích quan trọng. Cải thiện chất lượng dịch vụ vận tải biển nói riêng và dịch vụ logistic nói chung, chỉ có thể thực hiện được nếu thực hiện song song giữa việc cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng cũng như cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết.

Trong đó, vai trò “nhạc trưởng” vẫn thuộc về các cơ quan quản lý nhà nước, còn chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị liên quan cùng phối hợp với các đơn vị hàng hải xây dựng dịch vụ vận tải biển có chất lượng tốt, giá thành cạnh tranh, tạo lợi thế cho hàng hóa Việt Nam.

Cùng với đó, cần sự phối kết hợp của các ngành vận tải khác như đường bộ, đường sắt... để cải thiện khả năng kết nối của hệ thống cảng biển với những phương thức vận tải này, nhằm tận dụng năng lực vận chuyển hàng hóa vẫn còn dư thừa, đẩy nhanh giải tỏa hàng hóa, nâng cao năng lực tiếp nhận và thông quan hàng hóa, giảm chi phí vận tải, tạo sự cạnh tranh cho hàng hóa trong nước.

Đồng thời, việc rất quan trọng là ứng dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào trong hoạt động quản lý, khai thác hệ thống cảng biển, các hoạt động vận tải biển, kết nối giữa các cảng biển, các hãng tàu với các doanh nghiệp sản xuất, giảm bớt thủ tục không cần thiết để cải thiện chất lượng dịch vụ vận tải biển.

“Hiện nay đang có làn sóng dịch chuyển đầu tư vào Việt Nam. Đã đến lúc, các doanh nghiệp đầu tư cảng biển cần phải nâng cao năng lực hoạt động của các cảng biển lên gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi để hút hàng hóa đến. Điều này, không chỉ tạo tâm lý an tâm đối với những tập đoàn nước ngoài muốn đầu tư lâu dài, mong muốn mở rộng hoạt động tại Việt Nam, mà còn thu hút những nhà đầu tư nước ngoài khác”- ông Trung cho biết./.

Văn Nam - Trí Dũng

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/kinh-doanh/2020-08-12/hang-hai-nang-cao-nang-luc-de-tan-dung-co-hoi-tu-hiep-dinh-evfta-90853.aspx