Hãng hàng không Australia đuổi rắn đuôi chuông bằng 'cán chổi'

Hãng hàng không Australia Qantas đã bổ sung một chiếc 'cán chổi' đặc biệt vào mỗi bộ đồ nghề bảo dưỡng máy bay của hãng sau khi phát hiện tình trạng rắn chuông làm tổ tại các bánh máy bay.

Chiếc “cán chổi” đặc biệt được bổ sung thêm vào bộ bảo dưỡng máy bay của hãng hàng không Qantas. Ảnh: CNN.

Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, nhu cầu đi lại trên toàn cầu sụt giảm “chóng mặt” khiến hàng nghìn chiếc máy bay của các hãng hàng không trên thế giới phải di chuyển và “nằm đắp chiếu” tạm thời ở những vùng sa mạc khô nóng. Những vùng sa mạc khô cằn, nóng bức được coi là môi trường lý tưởng làm bãi đỗ cho những chiếc máy bay đắt giá.

Hãng hàng không Australia Qantas đã lựa chọn sa mạc Mojave, California làm bãi đỗ tạm thời cho phi đội siêu máy bay A380 của hãng và cử nhiều kỹ sư đến đây để giám sát và duy trì. Tuy nhiên, dù được đánh giá là một nơi có khí hậu thích hợp, nhưng sa mạc cũng tiềm ẩn những nguy hiểm chết người: rắn chuông độc.

“Khu vực này nổi tiếng với loài rắn chuông. Loài này rất thích cuộn tròn xung quanh lốp xe cao su ấm áp, các bánh xe và hệ thống phanh của máy bay”, quản lý kỹ thuật Tim Heywood thuộc cơ sở California của hãng hàng không Qantas cho biết.

“Trước tình trạng trên, mỗi bộ bảo dưỡng đồ nghề máy bay của hãng đều được bổ sung thêm một cán chổi có thiết kế đặc biệt để xua đuổi rắn chuông”, ông Tim nói thêm. Cụ thể, trước mỗi lần kiểm tra máy bay, các nhân viên bảo dưỡng sẽ đi xung quanh máy bay, dậm chân mạnh và lấy cán chổi gõ vào các bánh và lốp xe máy bay để đuổi rắn.

Không chỉ có rắn chuông, bọ cạp cũng là những “vị khách không mời” thường xuất hiện trên các bộ phận ngoài máy bay khi đỗ tại các vùng sa mạc. Ảnh: Getty.

“Chúng tôi đã gặp một vài con rắn đuôi chuông và thậm chí là cả bọ cạp nữa. Đây là một phần độc đáo trong quá trình chúng tôi chăm sóc phi đội A380 này. Những chiếc A380 này hiếm khi có một ngày ở liền dưới mặt đất trước khi đại dịch bùng phát”, ông Tim chia sẻ.

Qantas được cho là đã đậu khoảng hơn chục chiếc A380 của mình tại một sân bay ở Victorville, cách Los Angeles khoảng hai giờ đồng hồ.

Ông Tim cũng lưu ý thêm rằng việc chăm sóc máy bay tại các bãi đỗ là một công việc đặc biệt, và chúng đòi hỏi kỹ thuật cao và độ chính xác tuyệt đối. Hiện, hãng hàng không của Australia Qantas đang đậu hơn 10 chiếc máy bay loại A380 tại một sân bay ở Victoville.

Vào đỉnh điểm của đại dịch, hơn 2/3 số máy bay thương mại trên thế giới đã buộc phải nằm “đắp chiếu’ và gửi đến các cơ sở lưu trữ trên khắp thế giới.

Khi đại dịch Covid-19 ở đỉnh dịch, hơn 2/3 tổng số máy bay thương mại trên thế giới đã được gửi đến các kho và bãi đỗ khắp nơi trên thế giới, thậm chí, gây nên tình trạng “cháy” chỗ đậu máy bay. Sau khi được gửi vào các kho đỗ, các máy bay sẽ được làm khô. Các bộ phận quan trọng như động cơ, khu vực xả khí, ống pitot (được sử dụng để theo dõi tốc độ của máy bay) được che phủ kĩ càng.

Gần đây, khi tình hình Covid-19 đang có nhiều dấu hiệu tích cực, nhiều hãng hàng không đang mất khá nhiều thời gian để đảo ngược quy trình trên trước khi đưa máy bay vào khai thác sau một thời gian dài ngừng hoạt động.

Hương Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/hang-hang-khong-australia-duoi-ran-duoi-chuong-bang-can-choi-post137433.html