Hãng hàng không Cánh Diều khó được cấp phép trong 2 năm tới
Phó thủ tướng chỉ đạo chưa cấp phép lập Kite Air và giao Bộ Kế hoạch và đầu tư trả lời nhà đầu tư.
Xét đề nghị dừng xem xét quyết định chủ trương đầu tư dự án vận tải hàng không Cánh Diều (Kite Air) của Bộ Kế hoạch và đầu tư vào cuối tháng 8, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có văn bản chỉ đạo giao Bộ Kế hoạch và đầu tư trả lời Công ty cổ phần Du lịch Thiên Minh về việc dự án này chưa đáp ứng các điều kiện trình Thủ tướng xem xét, quyết định chủ trương đầu tư.
Câu trả lời gửi tới nhà đầu tư sẽ dựa trên cơ sở ý kiến của Bộ Giao thông vận tải về việc thành lập thêm các hãng hàng không trong tình hình mới.
Theo đó, vào tháng 7, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đồng ý về nguyên tắc với kiến nghị dừng lập thêm hãng hàng không mới đến khi thị trường phục hồi (dự kiến năm 2022) của Bộ Giao thông vận tải.
Việc này nhằm đảm bảo ngành hàng không phát triển bền vững trong tình hình mới, trước mắt tập trung phục hồi thị trường vận tải hàng không trong nước và quốc tế, tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không Việt Nam đang hoạt động.
Hãng hàng không Cánh Diều (Kite Air) là dự án của Công ty cổ phần hàng không Thiên Minh với mục tiêu trở thành hãng hàng không chi phí thấp. Tổng vốn đầu tư là 5.500 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu 1.000 tỷ đồng (chiếm 18%) và vốn vay 4.500 tỷ đồng.
Kite Air sẽ tập trung khai thác các đường bay nội địa, với các đường bay nối trực tiếp tới các địa phương có dung lượng thị trường nhỏ và các đường bay nối Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, Nội Bài, TP. HCM với các địa phương. Theo kế hoạch ban đầu, Kite Air dự kiến cất cánh trong quý II năm nay.
Theo thông tin từ Bộ Giao thông vận tải, do dịch Covid-19, tổng thị trường vận chuyển hàng không Việt Nam năm nay ước đạt 42,7 triệu khách, giảm 46% so với năm 2019 và bằng 50% dự báo trước đó.
Trong đó, các hãng hàng không Việt vận chuyển 32,6 triệu khách, giảm hơn 40% so với năm ngoái vì đại dịch và chỉ bằng 54% sản lượng vận chuyển đã dự báo.
Đến hết năm 2022, tổng thị trường vận chuyển dự báo đạt 78 triệu khách, bằng 74% so với dự báo đã báo cáo, trong đó các hãng trong nước vận chuyển ước đạt hơn 57 triệu khách, bằng 75% so với dự báo trước đó.
Do đó, Bộ Giao thông vận tải dự báo theo kịch bản lạc quan nhất, các chỉ số về thị trường vận tải hàng không Việt Nam của năm 2022 chỉ xấp xỉ bằng năm 2019.
Cũng theo bộ này, các hãng hàng không Việt hiện có 214 tàu bay nhưng mới chỉ khai thác các đường bay nội địa và một số chuyến bay chở hàng quốc tế với tỷ lệ trọng tải cung ứng chưa tới 50% so với năng lực.
Hiện Việt Nam có 5 hãng hàng không gồm Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, Vietjet Air, VASCO và Bamboo Airways. Ngoài ra, hãng Vietravel Airlines đã được Thủ tướng đồng ý chủ trương thành lập từ đầu tháng 4.