Hàng hóa bán qua thương mại điện tử phải đảm bảo chất lượng cam kết
Ủy ban Cạnh tranh quốc gia cho biết, còn nhiều trường hợp chất lượng hàng hóa bán qua thương mại điện tử (TMĐT) chưa đảm bảo, bị người mua khiếu nại.
Báo cáo mới nhất của Ủy ban Cạnh tranh quốc gia cho biết, vừa qua, Ủy ban đã tiếp nhận được 1.567 đơn, thư phản ánh, yêu cầu, kiến nghị, khiếu nại của người tiêu dùng, trong đó thương mại điện tử chiếm khoảng 5,5%, đứng thứ ba trong số các lĩnh vực kinh doanh, hàng hóa, dịch vụ nhận được phản ánh nhiều nhất.
Điều đó cho thấy sự quan tâm về chất lượng hàng hóa trên TMĐT đang ngày càng được chú trọng. Người tiêu dùng đòi hỏi chất lượng hàng hóa cũng như dịch vụ ngày càng cao hơn.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng đưa ra số liệu về việc phản ánh của người tiêu dùng về việc không đảm bảo chất lượng, số lượng hàng hóa theo đơn hàng đã đặt hoặc không đảm bảo chất lượng dịch vụ vận chuyển, giao hàng trong các giao dịch thương mại điện tử (chiếm khoảng 9,18%).
Trong 9 tháng đầu năm 2024, tỉ lệ vụ việc về TMĐT đã tăng lên đáng kể. Đáng chú ý, việc kiểm soát chất lượng sản phẩm, hàng hóa được mua bán và giao dịch trên các sàn TMĐT vẫn còn nhiều bất cập.
Theo thống kê của Tổng cục QLTT, trong 9 tháng năm 2024, riêng lĩnh vực thương mại điện tử, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã phát hiện, xử lý 2.014 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính lên tới 35,4 tỷ đồng và số tiền trị giá hàng hóa vi phạm là 29,4 tỷ đồng.
Điển hình là vụ việc Tổ thương mại điện tử thuộc Cục Nghiệp vụ QLTT (Tổng cục QLTT) kiểm tra kho hàng có dấu hiệu nhập lậu tại chung cư Eco Green do một hot TikToker Phan Thủy Tiên làm chủ.
Tài khoản mạng xã hội này có hơn 4 triệu lượt theo dõi thường xuyên livestream bán trên nền tảng TMĐT như: TikTok, Facebook. Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ hơn 10.000 chai nước hoa với các nhãn hiệu True Love, First Love, Mon Paris, Maiden, Karri… không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Theo Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, hiện nay khung pháp lý của Nhà nước khá đầy đủ để quản lý, kiểm soát việc đảm bảo nguồn gốc, chất lượng hàng hóa bán trên các nền tảng TMĐT. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên việc kiểm soát, quản lý và xử lý các vi phạm về chất lượng hàng hóa, sản phẩm còn hạn chế, chưa đồng bộ và vẫn còn nhiều trường hợp sai phạm vẫn lách luật.
Vì vậy, để tăng cường kiểm soát nguồn gốc, chất lượng hàng hóa bán trên sàn thì chúng ta cần có những giải pháp đồng bộ, hợp tác giữa các bên người bán hàng- người mua hàng- cơ quản quản lý Nhà nước.
Trước hết, tăng cường trách nhiệm của các sàn giao dịch TMĐT trong việc cấp phép đăng bán sản phẩm hàng hóa đã cung cấp đủ giấy tờ chứng minh về sản phẩm; kiểm tra những người bán hàng không thực hiện đúng những cam kết trong hợp đồng và các quy định của pháp luật trong quá trình kinh doanh hàng hóa trên kênh bán hàng của mình.
“Các sàn phải đảm bảo các nhà bán hàng công khai thông tin của người bán và thông tin sản phẩm trên kênh bán hàng của mình đầy đủ, chính xác tất cả các mặt hàng sản phẩm mà mình kinh doanh; thực hiện các đợt kiểm tra không chỉ giấy tờ như bên bán đã cung cấp mà cần kiểm tra thực tế hàng hóa, cơ sở sản xuất của người bán hàng trên kênh của mình phải là hàng chính hãng, đúng nguồn gốc, xuất xứ, giấy tờ đầy đủ.
Đảm bảo các nhà bán hàng phải có đầy đủ giấy tờ về sản phẩm và các mặt hàng đều đảm bảo về chất lượng như đã cam kết. Đồng thời, các sàn cần có những xử phạt nghiêm khắc khi người bán hàng không thực hiện đủ việc cung cấp thông tin trên sàn như đã cam kết trong hợp đồng với sàn và đảm bảo thực hiện bán những mặt hàng không trái với quy định của pháp luật”- Ủy ban Cạnh tranh quốc gia khuyến cáo.
Ủy ban Cạnh tranh quốc gia cũng cho hay, trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch TMĐT được quy định tại điều 26, Nghị định số 52/2013/NĐ-CP nên các sàn TMĐT, người bán, người mua cần tìm hiểu và thực thi để nâng cao chất lượng hoạt động TMĐT.