Hàng hóa dồi dào nhưng sức mua yếu

Gần 2 tuần sau kỳ nghỉ Tết, tại những điểm kinh doanh hàng hóa lớn, chợ truyền thống, cửa hiệu tạp hóa ở các tỉnh, thành phía Nam, hàng hóa dồi dào nhưng sức mua yếu. Các tiểu thương cho biết, lượng hàng bán ra thời gian này chỉ bằng 60 - 70% so với những ngày thường.

Hàng hóa ở Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức dồi dào nhưng sức mua yếu. Ảnh: Quốc Định.

Hàng hóa ở Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức dồi dào nhưng sức mua yếu. Ảnh: Quốc Định.

Giá hàng hóa giảm mạnh

Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (TP Thủ Đức, TPHCM) - nơi tập kết, bán các mặt hàng nông nghiệp lớn nhất miền Nam đến nay đã sầm uất trở lại, những khu vực chuyên các mặt hàng được bày bán chật kín. Theo ghi nhận thực tế của phóng viên, những ngày gần đây, giá cả các mặt hàng đều giảm mạnh so với những ngày giáp Tết và tương đương thời gian bình thường của năm trước. Cụ thể: Thịt lợn ba chỉ bán lẻ có giá 130.000 đồng/kg; bán sỉ 110.000 đồng/kg; cá diêu hồng bán lẻ từ 55.000 - 65.000 đồng/kg (tùy kích cỡ); bắp cải trắng Đà Lạt có giá 15.000 đồng/kg...

Ông Nguyễn Văn Thắng, một tiểu thương chuyên bán các mặt hàng rau củ quả tại chợ cho biết, sức mua hiện tại mới chỉ bằng 60% so với những ngày thường. “Vẫn biết sau Tết thường người tiêu dùng mua ít hơn nhưng hầu hết các tiểu thương ở đây không thể lường được năm nay lại kém như vậy, nên vài ngày đầu hàng ế thừa phải cắt lỗ giá bán ra chỉ bằng 50% để vớt vát đồng vốn” - ông Thắng chia sẻ.

Tương tự, quầy hàng thịt và cá của bà Lê Thị Thái tại Chợ Đầu mối Nông sản thực phẩm Hóc Môn (TPHCM), lượng bán ra cũng thấp hơn nhiều so với dự kiến. Bà Thái cho hay, những ngày bình thường, thịt heo bán cả sỉ và lẻ mỗi ngày 300kg nhưng nay chỉ trên dưới 200kg; thịt gà trước đây bán ra khoảng 180kg/ngày thì nay chỉ được 50%; các loại cá bán ra khoảng 250kg/ngày, nay chỉ hơn 150kg. “Giá thuê mặt bằng ở đây rất cao, cộng với trả lương cho nhân công nên tổng doanh thu chỉ còn hơn nửa, tháng này xem như tôi phải bù lỗ không dưới 50 triệu đồng” - bà Thái cho biết.

Chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng

Bà Lưu Hòa Hải - chủ cửa hàng MarinaMart24 (TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) cho biết, thống kê hầu hết các mặt hàng trong cửa hàng chưa tăng giá nhưng lượng hàng bán ra từ hơn 10 ngày gần đây giảm khoảng 30% so với cùng kỳ. Theo bà Hải, nguyên nhân là do người tiêu dùng đã dồn tiền phục vụ cho mua sắm Tết. Đặc biệt, ở các đô thị lớn như TPHCM, Bình Dương, Biên Hòa (Đồng Nai), lượng người nhập cư rất lớn nên sau khi rời quê hương tới nơi làm việc, họ đem theo một lượng thực phẩm lớn đủ để dùng cho khoảng 2 tuần đến 1 tháng. Vì vậy, sau Tết việc sức mua giảm là chuyện bình thường, tuy nhiên giảm sâu như vậy thì ít ai ngờ tới.

Cũng theo bà Hải, hiện chưa ghi nhận nhiều mặt hàng nhập vào tăng giá. Tuy nhiên, thông tin từ không ít nhãn hàng cho biết sẽ tăng giá bán sỉ vào tháng 3. “Việc tăng giá không nên diễn ra vào thời điểm này, các nhà cung cấp hàng cần chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng sau một loạt biến cố từ dịch Covid-19, rồi khủng hoảng kinh tế toàn cầu dẫn đến thu nhập của người dân trong nước bị giảm, nhiều người thất nghiệp, không còn nguồn thu nhập…” - bà Hải mong muốn.

Bà Dương Hoài Thư, chủ cửa hàng tạp hóa tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1 (Đồng Nai) cho biết, giá các loại sữa bán lẻ tại cửa hàng của bà không tăng. Cụ thể, sữa TH True Milk giao động từ 383 - 610 nghìn đồng/thùng/48 hộp, tùy vào kích cỡ, chủng loại; trong khi đó các loại sữa Vinamilk có giá 332 - 435 nghìn đồng/thùng;…. Tuy nhiên, một số công ty sữa cũng thông tin sẽ tăng giá bán vào thời gian tới. “Sữa là loại hàng thiếu yếu, nhất là với trẻ em nhưng cứ vài tháng lại tăng một lần là không phù hợp. Tôi nghĩ các nhà cung cấp hàng cần hạn chế việc này, đồng thời Nhà nước nên có thêm những chính sách hỗ trợ giá sữa đối với người dân” - bà Thư đề nghị.

Bà Thư cũng cho rằng, những người kinh doanh như bà không muốn hàng tăng giá, thậm chí chấp nhận bán lỗ chứ không thể mặt hàng nào cũng tăng theo giá nhập vì như vậy sẽ giảm chi tiêu, mua sắm. Điều này đồng nghĩa với doanh thu của người kinh doanh sẽ giảm theo.

Ông Nguyễn Ngọc Thắng - Giám đốc Khối vận hành hệ thống siêu thị Co.opmart thông tin, thời gian qua có nhà cung cấp giữ giá nhưng cũng có đơn vị đề nghị tăng giá do chi phí đầu vào tăng. Hiện tại đơn vị vẫn thực hiện chính sách kìm giữ giá vì 3 lý do chính: Một là, sức mua hiện nay thấp; hai là, nhà cung cấp phải chứng minh lô hàng đó chịu ảnh hưởng trực tiếp của chi phí đầu vào tại thời điểm tăng giá thì mới tiếp tục xem xét điều chỉnh giá trong biên độ nhất định trên nguyên tắc chia sẻ lợi nhuận để kìm giữ giá; ba là, Saigon Co.op có các hợp đồng giữ giá, bình ổn giá dài hạn với nhiều nhà cung cấp nên không sợ thiếu hàng.

QUỐC ĐỊNH

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/hang-hoa-doi-dao-nhung-suc-mua-yeu-10274089.html