Hàng hóa dồi dào nhưng vắng người mua
Tết Nguyên đán cận kề nhưng nhiều người tiêu dùng vẫn hạn chế mua bán, hoặc chuyển sang các sản phẩm rẻ tiền hơn để tiết giảm chi phí.
Chị Thanh Hương (quận Long Biên, Hà Nội) cho biết, hơn nửa năm nay thu nhập của chồng chị sụt giảm. Khoản tiền chi tiêu mà anh đưa cho chị 2 năm trước là 13 triệu đồng/tháng thì 6 tháng trở lại đây là 8 triệu đồng/mỗi tháng; để lo các khoản ăn uống, sinh hoạt trong gia đình 4 người. Sau mỗi tháng cân đối, cùng với phần lương của chị thêm vào, nhà chị gần như “bằng âm”. “Để chuẩn bị cho mấy ngày tết, chúng tôi đã phải cắt giảm nhiều khoản chi tiêu” - chị Hương nói.
Còn theo chị Nguyễn Thu Hường - công nhân một công ty may thì từ mức lương trung bình gần 9 triệu đồng/tháng, hiện chỉ còn lĩnh hơn 6 triệu đồng. Vì vậy, việc mua sắm của gia đình chị Hường phải thắt chặt.
Với tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, để tăng doanh số bán hàng, doanh nghiệp phải tìm cách đa dạng phương thức bán hàng, chủng loại sản phẩm, đồng thời thực hiện các chương trình khuyến mại. Các đơn vị lớn như MM Market, Saigon Co.op, Aeon, Lotte Mart, Winmart hay các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada... liên tục công bố những đợt khuyến mãi lớn ở tất cả ngành hàng.
Tại các chợ truyền thống cũng như các siêu thị, hàng hóa Tết đã được bày kín các kệ hàng. Nhiều sản phẩm được bán theo combo hoặc kèm khuyến mại, quà tặng để thu hút khách hàng. Tuy nhiên sức mua hiện tại tại các siêu thị, cửa hàng bán lẻ chưa tăng mạnh. Tại các chợ, hàng Tết khá ế ẩm so với cùng kỳ các năm trước.
Ông Lê Hoàng Long - quản lý Bộ phận Tư vấn chuỗi bán lẻ Nielsen Việt Nam chia sẻ, doanh nghiệp vẫn sẽ chật vật do khó khăn chung của kinh tế. Thị trường Tết nhiều khả năng sẽ trầm lắng hơn mọi năm. Cùng với thu nhập sụt giảm, nhiều người dân phải thay đổi thói quen tiêu dùng và dần thắt chặt chi tiêu với nhiều mặt hàng quen thuộc.
Có thể nói tiết kiệm là cách nhiều người tiêu dùng lựa chọn trong bối cảnh hiện tại. Tuy nhiên, về lâu dài thì tiết kiệm sẽ không kích thích sản xuất, không tạo thêm việc làm và thu nhập cho người lao động, từ đó lại tác động đến đời sống.
TS Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng tiêu dùng trong nước có 70% là chi tiêu cho cuộc sống hàng ngày của hộ gia đình. “Nhưng tiêu dùng và sức mua của người dân phụ thuộc vào triển vọng kinh tế. Kinh tế khó khăn thì người dân sẽ tiết giảm chi tiêu" - ông Lâm nói.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp bán lẻ vẫn nuôi hy vọng càng gần tới Tết thì sức mua sẽ tăng lên. Nhất là khi người lao động được nhận tiền thưởng Tết cũng như được tạm ứng lương trước một tháng để ăn Tết.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/hang-hoa-doi-dao-nhung-vang-nguoi-mua-10271645.html