Hàng hóa không thiếu nếu dịch phức tạp hơn ở Tuy Phong

Trong tình huống phải áp dụng nguyên tắc của Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ hoặc cao hơn, UBND huyện Tuy Phong đã có phương án phòng chống dịch Covid-19, đảm bảo nguồn cung hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, đáp ứng nhu cầu cho người dân…

Hàng hóa không thiếu nếu dịch ph

Hàng hóa ổn định tại Siêu thị Co.op mart Phan Rí Cửa.

Hàng hóa ổn định tại Siêu thị Co.op mart Phan Rí Cửa.

Giữ chặt các “vùng xanh”

Theo ông Nguyễn Trung Trực- Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong, trên địa bàn huyện có nhiều công trình giao thông, năng lượng đang triển khai hoạt động. Kéo theo đó, số lượng cán bộ, kỹ sư, công nhân là người ngoài tỉnh tập trung về khá đông nên gây khó khăn nhất định trong việc kiểm soát, phòng chống dịch.

Chính vì vậy, một trong những nội dung của phương án phòng chống dịch Covid-19 trong tình huống phải áp dụng nguyên tắc của Chỉ thị số 16/CT-TTg hoặc cao hơn, huyện cần theo dõi sát diễn biến tình hình dịch bệnh, đánh giá hàng ngày và chỉ đạo triển khai các hoạt động phòng chống dịch. Cụ thể, địa phương đã ban hành kế hoạch đảm bảo nguồn cung hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, đảm bảo nhu cầu cho người dân trong các tình huống dịch Covid-19 trên địa bàn huyện. Đồng thời, có kế hoạch triển khai thực hiện các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự phòng, chống dịch Covid-19 và kế hoạch giám sát phòng chống dịch Covid-19 tại các công ty, doanh nghiệp, nhà máy nhiệt điện.

Đặc biệt, huyện Tuy Phong đã lập kế hoạch rà soát, giữ chặt các “vùng xanh” còn an toàn, cộng với thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo quy định. Mặt khác, khẩn trương truy vết, xét nghiệm, nhanh chóng tách ngay F0 ra khỏi các ổ dịch, làm sạch địa bàn, giảm mức độ nguy cơ dịch bệnh để “vùng đỏ” dần thành “vùng xanh”.

Đảm bảo hàng hóa thiết yếu

Trước tình hình dịch Covid-19 ngày càng phức tạp hiện nay, việc lên phương án chuẩn bị từ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân trong và ngoài khu phong tỏa vô cùng quan trọng. Theo UBND huyện Tuy Phong, lượng hàng hóa thiết yếu đủ phục vụ cho người dân trên địa bàn huyện khoảng gần 149.000 người trong thời gian 30 ngày. Theo đó, tổng lượng hàng cần thiết là gạo 2.682 tấn; thịt các loại 200 tấn; trứng gia cầm 2,235 triệu quả; muối ăn, bột ngọt 22.347 kg; nước tương, nước mắm 74.492 lít; thủy hải sản 223 tấn, thực phẩm chế biến 223 tấn; rau củ quả 1.174 tấn và các sản phẩm chế biến từ ngũ cốc.

Theo khảo sát của địa phương, nguồn cung cấp hàng hóa thiết yếu tại địa bàn huyện hiện có 6 chợ truyền thống đang hoạt động chiếm khoảng 60% thị phần. Ngoài ra, còn có Siêu thị Co.op mart Phan Rí Cửa, chi nhánh Công ty cổ phần Thương mại Bách Hóa Xanh, các cửa hàng thực phẩm, cửa hàng tạp hóa… tham gia dự trữ, cung ứng hàng hóa.

Lãnh đạo huyện Tuy Phong cũng cho biết, việc hàng hóa lưu kho hiện nay cơ bản ổn định. Nhất là các hàng hóa thiết yếu sẵn có tại kho của Siêu thị Co.op mart Phan Rí Cửa khoảng 2 tỷ đồng, nhập bổ sung hàng ngày 1 tỷ đồng. Trong đó, tập trung cho các mặt hàng khẩu trang, gạo, mì tôm, thực phẩm chế biến (đồ hộp các loại), sữa, bánh kẹo, gia vị, rau củ quả, lượng hàng tăng từ 2 đến 3 lần so với trước khi có dịch… Ngoài ra, các chuỗi cửa hàng Bách hóa xanh phân bổ tại địa bàn các xã, thị trấn về hàng luôn đầy đủ, dồi dào đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Chính sự chuẩn bị chu đáo các phương án về cơ sở điều trị, khu cách ly, nhất là nhu yếu phẩm trong trường hợp áp dụng các biện pháp chặt chẽ hơn để phòng chống dịch Covid-19 tại huyện Tuy Phong, sẽ giúp người dân yên tâm và tin tưởng để đồng lòng cùng chính quyền địa phương đẩy lùi dịch bệnh…

Dân số năm 2021 huyện Tuy Phong là 146.231 người/37.846 hộ gia đình, bao gồm 2 thị trấn và 9 xã. Trên địa bàn huyện Tuy Phong có 6 chợ truyền thống, 9 chợ dân sinh, 1 siêu thị, 5 cửa hàng tiện lợi Bách hóa xanh.

Kiều Hằng

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/kinh-te/hang-hoa-khong-thieu-neu-dich-phuc-tap-hon-o-tuy-phong-140346.html