Hàng hóa ngày 30 Tết Nguyên đán Tân Sửu: Nguồn hàng dồi dào, không tăng giá đột biến
Ngày 11/2/2021 (tức 30 Tết Nguyên đán Tân Sửu), tại các chợ truyền thống đã diễn ra phiên mua bán cuối cùng của năm Canh Tý (2020) trước khi bước sang năm mới Tân Sửu. Đặc biệt, giá cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, nhất là thịt lợn không xảy ra tình trạng khan hàng, tăng giá đột biến.
Thực phẩm, rau xanh giá ổn định
Ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế và Đô thị, tại các chợ truyền thống như Kim Liên, Thành Công, Khương Thượng... ngày 30 Tết Nguyên, giá cả hầu hết các mặt hàng chỉ tăng nhẹ từ 5 - 15% so với thời điểm Tết ông Công, ông Táo, không có hiện tượng tăng đột biến.
Cụ thể, đối với mặt hàng thịt lợn, giá gần như không có nhiều biến động, thậm chí còn giảm so với cùng kỳ năm trước. Hiện giá thịt lợn tại các chợ dân sinh dao động trong khoảng 130.000 - 160.000 đồng/kg tùy từng loại, giảm 10.000 đồng/kg so với cách đây 1 tháng. Còn thịt bò vẫn giữ ổn định. Hiện thịt thăn bò có giá 330.000 - 350.000 đồng/kg, bắp bò có giá 550.000 - 600.000 đồng/kg, các loại thịt riềm, rẻ sườn có giá từ 220.000 - 300.000 đồng/kg.
Gà ta lông 130.000 - 140.000 đồng/kg, gà đã qua giết mổ 160.000 - 170.000 đồng/kg; tôm sú (loại 20-25 con/kg) giá 400.000 - 450.000 đồng/kg. Giá một số mặt hàng thực phẩm chế biến như giò, bánh chưng ổn định so với ngày thường. Hiện giò lụa 250.000 - 270.000 đồng/kg, giò bò khoảng 300.000 - 350.000 đồng/kg, bánh chưng tùy vào kích cỡ, khối lượng dao động từ 60.000 - 80.000 đồng/chiếc.
Thực tế cho thấy những ngày này mặt hàng rau xanh khá rẻ, hiện bắp cải 8.000 - 10.000 đồng/kg, su hào 5.000 - 6.000 đồng/củ, xà lách 10.000 - 12.000 đồng/kg, súp lơ 13.000 - 15.000 đồng/cây, cà chua 10.000 đồng/kg...
Lý giải nguyên nhân khiến giá rau xanh liên tục giảm mạnh những ngày vừa qua, chị Vi - kinh doanh rau xanh tại chợ Khương Thượng cho biết: Những ngày qua nguồn cung rau vụ Đông tăng cao hơn so với các vụ khác, trong khi đó do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể… nghỉ sớm nên cung nhiều hơn cầu, do vậy việc giá rau xanh giảm là điều tất yếu.
Giá các loại hoa, trái cây phục vụ cúng lễ đêm 30, bày mâm ngũ quả như cam Canh, quýt đường, thanh long, xoài cát Hòa Lộc, vú sữa chỉ tăng nhẹ từ 10 - 15%. so với những ngày trước đó.
Cụ thể, thanh long loại đẹp giá 70.000 đồng/kg, xoài cát chu cũng 70.000 đồng/kg xoài Thái 60.000 đồng/kg; na 90.000 đồng/kg; dưa hấu 20.000 - 35.000 đồng/kg tùy loại; vú sữa 60.000 đồng/kg... Chuối xanh và cau tươi cũng đắt hơn so với mọi năm. Chuối xanh loại đẹp 200.000 - 250.000 đồng/nải; loại trung bình có giá 30.000 - 100.000 đồng/nải.
Trong khi đó, giá cau tươi ở mức 15.000 - 20.000 đồng/quả, các tiểu thương cho biết, năm nay mất mùa cau nên giá đắt gấp đôi so với năm ngoái. Các loại hoa tươi cũng được bày bán nhiều với mức giá tương đương năm ngoái. Giá hoa cúc ở mức 5.000 đồng/bông; hoa violet ở mức 30.000 đồng/bó; hoa ly 100.000 đồng/bó 20 bông; hoa lay ơn 100.000 - 150.000 đồng/chục; hoa hồng 8.000 - 10.000 đồng/bông. Riêng mặt hàng đào, quất do sắp bước sang năm mới Tân Sửu 2021 nên giá bán cũng giảm 40 - 50% so với những ngày trước đó.
Đảm bảo nguồn hàng không thiếu
Báo cáo hoạt động dự trữ hàng hóa của Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, tổng giá trị lượng hàng dự trữ phục vụ Tết của các DN tăng khoảng 22% so với kế hoạch Tết 2020, cùng với đó là các chương trình khuyến mại cụ thể. Các mặt hàng dự trữ tập trung chủ yếu vào một số mặt hàng như gạo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, đường, dầu ăn, thực phẩm chế biến, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, xăng dầu...
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết: Hàng hóa trên thị trường trong ngày 29 - 30 Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, nguồn cung khá phong phú, các siêu thị tổ chức chương trình khuyến mại nên giá cả hàng hóa không tăng nhiều so với ngày thường.
“Nguồn cung hàng hóa dồi dào, phong phú giúp người tiêu dùng có nhiều lựa chọn trong việc mua sắm vào dịp Tết. Bên cạnh đó, việc các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích mở cửa phục vụ người dân tới ngày 30 Tết và mở cửa trở lại phục vụ sau Tết sớm góp phần hạn chế tâm lý mua trữ hàng của người dân, do đó giá cả hàng hóa trên thị trường nhìn chung sẽ không biến động nhiều” – bà Trần Thị Phương Lan nói.
Đáng chú ý, tại các chợ, siêu thị, cửa hàng, điểm mua sắm hàng hóa..., các biện pháp phòng, chống dịch đã được tăng cường. Tại hệ thống các siêu thị, khách hàng và nhân viên bán hàng đều bắt buộc đeo khẩu trang. Bảo vệ trực đo thân nhiệt, hỗ trợ khách hàng rửa tay sát khuẩn. Việc vệ sinh quầy, kệ, sàn nhà, xe đẩy hàng... được tăng cường.
Nhiều trung tâm thương mại như Big C, Vinmart... còn lắp thêm tấm chắn ngăn cách giữa khách hàng và nhân viên ở quầy thanh toán. Theo Giám đốc Siêu thị Co.opmart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung, siêu thị đã tăng cường biện pháp phòng dịch ở cấp độ cao nhất, đồng thời đã khởi động quy trình kiểm soát dịch bệnh từ khâu nhập đến phân phối hàng hóa. Việc vệ sinh khử khuẩn các điểm bán hàng được tăng cường để bảo đảm môi trường mua sắm an toàn.